Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ VIII “Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng Công nghệ Thông tin” năm 2015 (FAIR 2015) vừa được tổ chức tại ĐHQGHN vào hai ngày 9 và 10/7/2015 với 5 tiểu ban: Hệ thống thông tin, Khoa học tính toán, Công nghệ đa phương tiện, Công nghệ mạng và truyền thông, Cơ sở dữ liệu và Công nghệ phần mềm.
Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ VIII “Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng Công nghệ Thông tin” năm 2015 (FAIR 2015) vừa được tổ chức tại ĐHQGHN vào hai ngày 9 và 10/7/2015 với 5 tiểu ban: Hệ thống thông tin, Khoa học tính toán, Công nghệ đa phương tiện, Công nghệ mạng và truyền thông, Cơ sở dữ liệu và Công nghệ phần mềm.
Hội nghị năm nay do Viện Công nghệ Thông tin – ĐHQGHN, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với các cơ quan khoa học, các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, các trường đại học tổ chức.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải đã tham dự và phát biểu tại hội nghị.
Tham dự hội nghị có GS.TSKH Dương Ngọc Hải – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS.TS Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị FAIR lần thứ IX năm 2016 cùng hơn 300 nhà khoa học trong lĩnh vực CNTT.
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Vũ Đức Thi – Trưởng Ban tổ chức hội nghị đề dẫn, CNTT không chỉ là một ngành khoa học mà đã trở thành một ngành công nghệ cao phát triển mạnh mẽ. Cùng với truyền thông, CNTT đã trở thành hạ tầng cơ sở, kỹ thuật của một xã hội thông tin tri thức.
Tại hội nghị, các nhà khoa học đã giới thiệu các kết quả nghiên cứu và ứng dụng CNTT mới nhất. Có gần 200 báo cáo khoa học được gửi tới hội nghị từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có uy tín trong lĩnh vực CNTT, Ban tổ chức đã tiến hành phản biện và lựa chọn được 151 báo cáo để trình bày tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải khẳng định, ĐHQGHN có truyền thống và thế mạnh về nghiên cứu khoa học cơ bản và đã xác lập được vị thế, uy tín của mình ở trong và ngoài nước. Hiện nay, ĐHQGHN đang đầu tư, phát triển các ngành khoa học công nghệ, trong đó có CNTT để trở thành đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao hàng đầu ở Việt Nam.
Theo bảng xếp hạng Đại học QS trong những năm qua, ĐHQGHN luôn duy trì vị trí thứ nhất của Việt Nam. Năm 2015, lần đầu tiên 4 lĩnh vực của ĐHQGHN lọt vào nhóm 151-200 các trường Đại học hàng đầu Châu Á. Trong lĩnh vực CNTT, ĐHQGHN hiện có 4 đơn vị đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Công nghệ, Viện Công nghệ Thông tin và Viện Quốc tế Pháp ngữ với trên 200 chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực này.
Phó Giám đốc nhấn mạnh, hội nghị FAIR lần thứ VIII do Viện Công nghệ Thông tin - ĐHQGHN tổ chức càng khẳng định vai trò của ĐHQGHN trong kết nối, thúc đẩy phát triển nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng về CNTT trong nước. Phó Giám đốc bày tỏ sự tin tưởng rằng, thông qua hội nghị FAIR 2015, các nhà khoa học, những chuyên gia CNTT sẽ biết đến ĐHQGHN như một địa chỉ tin cậy cho sự hợp tác cả trong nghiên cứu cơ bản và ứng dụng CNTT, truyền thông.
Thay mặt Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN - đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị FAIR 2015, PGS.TS Nguyễn Ái Việt nhấn mạnh đến việc liên kết 3 “nhà”: Đại học – Viện nghiên cứu – Doanh nghiệp để các sản phẩm CNTT phục vụ đắc lực cho cộng đồng xã hội và gia tăng giá trị doanh nghiệp.
Ngày 1/7/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36/NQ-TW về việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; ngày 8/7/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 47/NQ-CP về việc tăng cường ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, điều này cho thấy sự quyết tâm trong công tác chỉ đạo việc ứng dụng CNTT cũng như việc coi trọng CNTT như một cách thức lựa chọn để điều hành, quản lý hiệu quả trong khối các cơ quan, tổ chức nhà nước.
Qua 7 kỳ được tổ chức, hội nghị FAIR đã khẳng định vai trò, tầm ảnh hưởng trong việc thúc đẩy nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng về CNTT và Truyền thông tại Việt Nam. Hội nghị đã tạo cơ hội để các nhà khoa học trong lĩnh vực CNTT và các lĩnh vực liên quan công bố các kết quả nghiên cứu mới nhất đã triển khai, ứng dụng trong thực tiễn cũng như các vấn đề cần nghiên cứu và giải quyết trong tương lai.