Một nghiên cứu thực hiện trên 800 trang web cung cấp các dịch vụ download dữ liệu miễn phí chỉ ra rằng 30% số trang web đó đã cài phần mềm gián điệp lên máy tính người dùng.
Các trang web nói trên còn được biết đến với cái tên BitTorrent Site đã thực hiện cài phần mềm gián điệp lên máy tính người dùng trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8/2015. Các chuyên gia an ninh mạng nhận định, thông tin cá nhân của ít nhất 12 triệu người dùng Internet mỗi tháng đã bị đe dọa vì nguyên nhân này.
|
Phần lớn các trang BitTorrent đều chứa mã độc.
|
Báo cáo trên một lần nữa lại làm nhiều người đặt câu hỏi: "Vậy những phần mềm được quảng cáo là miễn phí trên Internet có thực sự 'miễn phí' hay không?".
Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phòng ngừa tội phạm mạng Digital Citizens Alliance của Mỹ, ông Tom Galvin, cho rằng, các trang web cung cấp dịch vụ download miễn phí đơn giản chỉ là những cái bẫy điện tử. “Những website này luôn ăn cắp nội dung từ các nhà sản xuất sau đó gán mác miễn phí cho những nội dung này. Sau khi khách hàng nhấn chuột vào những quảng cáo chứa mã độc, thông tin cá nhân của họ sẽ bị lấy trộm và rao bán trên thị trường chợ đen với giá từ 20 – 45 USD cho dữ liệu từ một người dùng. Năm 2015, các BitTorrent Site đã thu về khoản tiền 70 triệu USD nhờ những hoạt động thế này”, ông Tom chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Tom cũng thừa nhận rất nhiều người sử dụng Internet không thể tự vệ trước mối nguy hại từ những "món hàng" miễn phí trên Internet. 45% phần mềm gián điệp của các trang BitTorrent Site sẽ tự động kích hoạt và đánh cắp dữ liệu của người dùng ngay sau khi nó được tải về máy tính của họ. Những phần mềm gián điệp này có chức năng scan và tìm kiếm thông tin cá nhân nhạy cảm như tài khoản ngân hàng, số chứng minh thư hay hộ chiếu cá nhân.
Các nhà nghiên cứu thuộc viện Digital Citizens Alliance cũng đã tiến hành một thử nghiệm để so sánh độ an toàn giữa những website chân chính (có trả phí) và những website cung cấp dịch vụ tải phim miễn phí như Pirate Bay, Kickass Torrents, ExtraTorrent, Putlocker. Kết quả cho thấy, trong khi 2% số trang web chân chính bị phát hiện chứa các phần mềm gián điệp, thì con số này của nhóm website còn lại lên đến 33%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, vì cấu trúc rất linh hoạt, nên một trang web có thể được đánh giá là an toàn trong hôm nay nhưng có thể bị nhiễm mã độc trong ngày mai.
Thực tế đã chứng minh việc chấm dứt nạn ăn cắp thông tin cá nhân của người dùng qua hình thức cho tải nội dung miễn phí là rất khó. Khi một website bị chặn, nó thường bị chặn bởi một nhà mạng của một quốc gia nhất định. Kể cả khi cảnh sát quốc tế ra tay ngăn chặn và đánh sập máy chủ của website đó, thì những người làm trong lĩnh vực này sẽ di chuyển hoạt động kinh doanh đến những website ở quốc gia khác. Chính vì thế mọi việc ngăn chặn gần như không thể.
Vậy đâu là cách phòng tránh?
Dan Manning, người đã dành gần như toàn bộ cuộc đời vào việc nghiên cứu lĩnh vực an ninh mạng và bảo mật thông tin cá nhân, nhấn mạnh: “Không có gì là miễn phí trên Internet”. Ông cho hay, cách phòng tránh mất cắp thông tin cá nhân tốt nhất là cẩn trọng với những đường link, bao gồm quảng cáo, email, thư trúng thưởng...
Nhiều người chủ quan cho rằng các phần mềm diệt virus là liều thuốc kháng lại tất cả những mối đe dọa về an ninh mạng, nhưng nên nhớ phần mềm diệt virus chỉ như một cái đai an toàn. Nếu chiếc xe của bạn đang lao xuống vực thẳm, thì cái đai đó cũng chỉ vô dụng mà thôi.