Sau 5 năm thực hiện Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên 3), ngày 24/6/2016, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Tây Nguyên 3 giai đoạn 2011 - 2015
Sau 5 năm thực hiện Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên 3), ngày 24/6/2016, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Tây Nguyên 3 giai đoạn 2011 - 2015 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020.
Toàn cảnh hội nghị
Về tham dự hội nghị có ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KHCN; ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Danh, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Gia Lai; ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên; đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên: ông Trần Quốc Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk; bà Trần Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh KonTum; ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; ông Cao Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông. Về phía Viện Hàn lâm KHCNVN có GS. VS Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN, Chủ nhiệm Chương trình Tây nguyên 3; PGS. TS Phan Văn Kiệm, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN; GS. VS Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học Việt Nam và đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý Tây Nguyên.
Qua các báo cáo và tham luận tại hội nghị đã thể hiện tâm huyết của các nhà quản lý, các nhà khoa học đối với vấn đề phát triển bền vững Tây nguyên theo chủ trương nhất quán của Đảng và Chính phủ “Xây dựng Tây Nguyên thành một địa bàn vững chắc về an ninh - quốc phòng và vùng trọng điểm kinh tế của cả nước”. Trong 5 năm thực hiện, có 62 đề tài và 5 nhiệm vụ độc lập, trong đó có 31 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và phòng tránh thiên tai (chiếm 50%); 21 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học - xã hội và an ninh quốc phòng (chiếm 34%); 11 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ (chiếm 16%). Chương trình đã huy động trên 2000 nhà khoa học thuộc 12 Bộ, Ngành, Trung ương và Địa phương tham gia.
Chương trình Tây Nguyên 3 giai đoạn 2011-2015 đã bám sát các mục tiêu đã đặt ra tại Quyết định 2632/QĐ-BKHCN ngày 29/8/2011 của Bộ KHCN. Các nhiệm vụ trong Chương trình Tây Nguyên 3 được triển khai bao quát về nội dung và tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị về khoa học (các luận cứ khoa học, các bài báo quốc tế, các loài sinh vật mới, các sáng chế và giải pháp hữu ích), giá trị sử dụng thực tế theo yêu cầu sản phẩm của Chương trình. Nhiều phát hiện mới, các kết luận, kiến nghị từ các đề tài của Chương trình Tây Nguyên 3 không chỉ là những đóng góp định hướng, chính sách, giải pháp cho Nhà nước, các tỉnh ở Tây Nguyên mà còn là những hướng, vấn đề khoa học có giá trị đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết cho sự phát triển của Tây Nguyên, cho khoa học và công nghệ Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Kỳ, Phó Chủ nhiệm kiêm Chánh văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3 cho biết, giai đoạn tiếp theo cần đưa nhanh một số giải pháp trong liên kết vùng ở Tây Nguyên vào thực hiện. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình cần đẩy mạnh việc đưa vào ứng dụng những vấn đề nghiên cứu trong giai đoạn 2011 – 2015 và hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong Tây Nguyên. Đồng thời những kết quả của khoa học công nghệ, nhiệm vụ khoa học công nghệ đã nhận được bằng độc quyền sáng chế phát minh, nhận được các giải pháp hữu ích phải đưa nhanh vào cơ sở sản xuất để biến thành sản phẩm hàng hóa. Có như vậy những kết quả nghiên cứu riêng lẻ của mỗi đề tài, nhiệm vụ khoa học thuộc Chương trình Tây Nguyên 3 được hoàn thiện hơn, nâng cao giá trị tổng hợp, gắn kết liên ngành và tạo tiền đề chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn Tây Nguyên.
Kết thúc hội nghị, Ban chủ nhiệm Chương trình bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới toàn thể các vị đại biểu tham dự, mong muốn và tin tưởng rằng các nhà khoa học tiếp tục tập trung trí tuệ, chủ động bám sát được nhu cầu thực tế tại địa phương, xác định đúng các nhiệm vụ nghiên cứu, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tăng cường, đảm bảo an ninh quốc phòng cho Tây Nguyên.
Bàn giao kết quả nghiên cứu và cơ sở dữ liệu Tây Nguyên giữa Viện Hàn lâm KHCNVN, Ban chủ nhiệm
Chương trình Tây Nguyên 3 và Ban chỉ đạo Tây Nguyên tại hội nghị
Chụp ảnh lưu niệm