ChatGPT là bước đột phá của trí tuệ nhân tạo, có tác động cả tích cực và tiêu cực. Người dùng cần khai thác các giá trị tích cực và thận trọng với các mặt trái. Trong khi đó, cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu và ban hành các khuôn khổ pháp lý liên quan, bảo đảm việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các công việc một cách tường minh và có trách nhiệm rõ ràng. Báo Điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng - Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) về phần mềm đang được thế giới và Việt Nam quan tâm.
ChatGPT là công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo do công ty OpenAI đưa ra thử nghiệm trên thế giới vào tháng 11/2022. Chỉ sau hơn 3 tháng, con số tài khoản đăng ký sử dụng đã vượt 100 triệu người. Đây là sản phẩm có tốc độ lan tỏa nhanh nhất trong lịch sử. Kho kiến thức dựng sẵn mà OpenAI dùng để huấn luyện ChatGPT có kích thước vô cùng lớn (300 tỷ từ) và đây là kho kiến thức hết sức hữu dụng cho người sử dụng.
Trong cuộc trao đổi này, PGS. TS. Nguyễn Trường Thắng đã nêu bật được sự đột phá về công nghệ trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là xử lý ngôn ngữ, trong ChatGPT, so với các công cụ thông minh nổi trội nhất hiện nay là Google Search. Các tác động tích cực và tiêu cực của các công cụ thông minh này đối với Việt Nam, đặc biệt là các đối tượng người sử dụng phổ thông (học sinh, sinh viên) cũng như nhân sự trình độ cao, cơ quan quản lý nhà nước cũng được phân tích và đánh giá. Một số nguy cơ liên quan tới sự phụ thuộc công nghệ và nội dung thông tin của Việt Nam vào các tập đoàn công nghệ đa quốc gia được phác họa. Từ đó, việc ứng xử với ChatGPT một cách hữu hiệu như: tận dụng được tính năng nổi trội, sự tiện lợi, kho kiến thức to lớn và đa lĩnh vực; trong khi vẫn kiểm soát, hạn chế các nguy cơ và mặt trái của nó, cũng được đề xuất.
Fanpage chính thức của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ:
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=pfbid02rKkR5gKikMGSveAAsikXbLebtgSqhLthwxsvoKyCzGZr72jnZqLwsrzNKrYRAePUl&id=100064643681682&mibextid=Nif5oz