ChatGPT là công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo do công ty OpenAI đưa ra thử nghiệm trên thế giới vào tháng 11/2022. Chỉ sau hơn 3 tháng, con số tài khoản đăng ký sử dụng đã vượt 100 triệu người và ChatGPT được quan tâm nhất trên mạng xã hội và các diễn đàn giáo dục hiện nay. Để hiểu rõ hơn về ứng dụng này, đặc biệt là tác động của nó đối với lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Trường Thắng - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi về chủ đề này.
ChatGPT là một công cụ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. Kho kiến thức dựng sẵn mà OpenAI dùng để huấn luyện ChatGPT có kích thước vô cùng lớn (300 tỷ từ) và đây là kho kiến thức hết sức hữu dụng cho người sử dụng trong quá trình tự học, tiếp nhận kiến thức. PGS. TS. Nguyễn Trường Thắng nêu bật sự đột phá về công nghệ trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là xử lý ngôn ngữ, trong ChatGPT so với các công cụ thông minh nổi trội nhất như Google Search. Các tác động tích cực và tiêu cực của công cụ thông minh này đối với Việt Nam, đặc biệt là các đối tượng người sử dụng phổ thông (học sinh, sinh viên) cũng được phân tích và đánh giá. ChatGPT trở thành công cụ hữu ích trong việc truyền tải kiến thức tới người dùng học sinh, sinh viên. Phần truyền tải và tiếp thu kiến thức (“học văn”) trong giáo dục sẽ nhẹ đi nhiều trong khi yêu cầu đối với phương pháp giáo dục tự học, tìm tòi kiến thức sẽ tăng lên.
Ngoài ra, thách thức do ChatGPT mang lại cũng xuất hiện đối với người sử dụng. Với học sinh và sinh viên, họ sẽ ỷ lại nhiều hơn vào công cụ, lười tư duy và kết quả là sự tiếp nhận kiến thức sẽ bị hạn chế đáng kể. Do đó, kỹ năng số (digital skills) sẽ trở nên vô cùng quan trọng đối với ngành giáo dục. Ví dụ: học sinh, sinh viên có thể tự đánh giá, kiểm chứng được thông tin mà ChatGPT đem lại. Với thầy cô giáo, việc đánh giá đúng năng lực của học sinh là một thách thức rất lớn. Kết quả đánh giá sẽ không dựa vào kết quả cuối cùng mà là việc giám sát, đánh giá xuyên suốt cả quá trình giải quyết vấn đề. Yếu tố kỹ năng xã hội, khung văn hóa và đạo đức (“học lễ”) truyền thống trong nhà trường cần bổ sung các phương pháp giáo dục mới cho các kỹ năng số này.
Chi tiết cuộc trao đổi có tại đường link dưới đây: