Lịch sử nhân loại đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp lớn và đang bước vào một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) hàm chứa một sự thay đổi lớn lao không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ mà cả văn hóa, xã hội và sẽ gây ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có vấn đề an ninh trật tự, công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Cuộc CMCN 4.0 đặt ra những vấn đề mới trong công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân.
Sáng 03/11/2017, tại Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp với Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật Công an nhân dân tổ chức Hội thảo khoa học "Cuộc Cách mạng 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân". Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo Hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành cho biết: Những thành tựu khoa học công nghệ của Cách mạng 4.0 tạo ra những công cụ, phương tiện mới, hiện đại, thông minh, hiệu quả hơn trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự nói chung, công tác đào tạo lực lượng Công an nhân dân (CAND) nói riêng.
Đồng chí Thứ trưởng cũng lưu ý, cuộc cách mạng này cũng tạo ra những thách thức không nhỏ đối với tiền trình phát triển của Việt Nam. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, có nhiều thách thức quan trọng đến vấn đề an ninh phi truyền thống. Trước những thách thức đó và khả năng ứng dụng những thành tự của khoa học công nghệ trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự nói chung và công công tác giáo dục đào tạo trong CAND nói riêng, đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược, tư duy hệ thống. Đồng thời, cuộc CMCN 4.0 bùng nổ và diễn biến rất nhanh, đòi hỏi phải có hành động ngay để thích ứng. Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành cũng biểu dương công tác giáo dục đào tạo, các trường CAND đã có những đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, như tại Học viện CSND đã thành lập chuyên ngành Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, xây dựng Học viện CSND thông minh…
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia tập trung thảo luận làm rõ nhiều nội dung, khả năng và thực tế ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào công tác giáo dục đào tạo trong CAND. Đề xuất với các cơ quan chức năng sớm có chính sách đào tạo, chính sách về khoa học công nghệ nhằm chủ động, tích cực khai thác hiệu quả những thành quả của cuộc cách mạng lần thứ tư trong vấn đề đào tạo ở các trường CAND.
TS. Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện CNTT có bài trình bày tham luận tại hội thảo với chủ đề “Các công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu đối với công tác đào tạo tại các trường Công an nhân dân”. Nội dung bài tham luận đề cập tới bản chất và xu thế hiện nay của các công nghệ số nền tảng trong CMCN 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo, Phân tích dữ liệu lớn, Điện toán đám mây, Robot tự hành, An ninh mạng… Bên cạnh việc điểm lại một số tác động chính trên qui mô toàn cầu của CMCN 4.0, báo cáo đề xuất giải pháp lâu dài và tối ưu nhất cho Việt Nam thích ứng đối với bối cảnh của cuộc cách mạng này. Đó là nhiệm vụ chuyển dịch lực lượng lao động lên thang giá trị cao hơn, đòi hỏi kỹ năng trình độ KHCN nhiều hơn thay vì mô hình phát triển dựa trên lao động giá rẻ, kỹ năng thấp. Lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an nhân dân, khi xã hội thay đổi dưới tác động của làn sóng công nghệ mới, cũng phải nâng tầm với những kỹ năng nghiệp vụ ứng dụng KHCN hiện đại, quản lý và ứng phó với những thách thức mới do cuộc cách mạng này đem lại. Ví dụ, chính phủ chỉ quản lý thông tin công dân hiện nay qua những trường thông tin “tĩnh” lưu trong CSDL quốc gia về dân cư (họ tên, ngày sinh, dân tộc, nơi cư trú…). Trong khi đó, người dân sử dụng các dịch vụ miễn phí của Google và Facebook, cung cấp một cách vô thức những dữ liệu hàng ngày như hình ảnh, video clip, lịch trình đi lại, quan điểm, tâm tư, tình cảm, mối quan hệ và vị trí xã hội… cho họ. Đây được xác định một nguy cơ đối với an ninh quốc gia khi họ hiểu và theo sát người dân hơn cơ quan chính phủ. Bài tham luận cũng đề cập tới những thách thức do một số công nghệ số nền tảng đem lại đối với cơ quan quản lý nhà nước như trí tuệ nhân tạo, công nghệ tiền ảo (blockchain/bitcoin)… Báo cáo khẳng định trong thời đại CMCN 4.0, bí quyết công nghệ và tài năng, năng lực của nhân viên có vai trò quyết định đến giá trị của quốc gia, tổ chức hay doanh nghiệp thay vì các tài sản thông thường như nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc. Dựa trên những yêu cầu này, báo cáo đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường CAND cho phù hợp với xu thế thời đại.