Công ty cổ phần Hệ thống, ứng dụng và sản phẩm về xử lý dữ liệu SAP (Systems, Applications, & Products in Data processing) là công ty đa quốc gia có trụ sở chính tại thành phố Walldorf, Bang Baden-Württemberg, Cộng hòa liên bang Đức. Sau hơn 55 năm kể từ khi được thành lập bởi năm cựu nhân viên của công ty IBM vào năm 1972, SAP đã trở thành công ty phần mềm lớn nhất châu Âu với hơn 300.000 khách hàng trên thế giới. Các sản phẩm nổi tiếng của SAP có thể kể đến hệ thống hoạch định và quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), hệ thống quản trị dữ liệu HANA hay Hệ thống đổi mới sáng tạo kỹ thuật số Leonardo mới được giới thiệu gần đây.
Hội thảo thượng đỉnh các nhà đổi mới sáng tạo Châu Á 2017 được tổ chức vào ngày 22/08/2017 tại TP. HCM nằm trong chuỗi các sự kiện tương tự được tổ chức tại các nước Đông Nam Á khác gồm Thái Lan, Malaysia, Singapore, Phillipines và Indonesia. Trong lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của hơn 200 đại biểu gồm các lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia công nghệ và các khách hàng sử dụng các giải pháp của SAP đến từ các tổ chức trong và ngoài nước.
Tại sự kiện Asian Innovators Summit 2017, nhà cung cấp giải pháp hoạch định nguồn lực doanh nghiệp SAP đã chia sẻ thông tin về khai thác sức mạnh dữ liệu số. Các chuyên gia đã nêu ra các lợi ích khi doanh nghiệp tham gia quá trình chuyển đổi số cho nhiều mảng hoạt động khác nhau (tài chính, cung ứng, nhân sự…). Ở Việt Nam, một số công ty ban đầu khá ngần ngại với việc chuyển đổi số do đã quen với thao tác làm việc thủ công trước đây (dùng hoá đơn, báo cáo giấy…) nhưng sau đó đã triển khai thành công việc chuyển đổi dữ liệu. Hiện tại, SAP Việt Nam đã cùng với các đối tác triển khai giải pháp số hoá cho các khách hàng từ quy mô nhỏ cho tới doanh nghiệp lớn hàng đầu Việt Nam.
Ông Phạm Thế Trường, Giám đốc điều hành SAP Việt Nam cho biết, hiện tại sự thay đổi của nền kinh tế số ở khu vực châu Á đang diễn ra khá nhanh với sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ. Như Uber, nhờ ứng dụng công nghệ, dù không sở hữu một chiếc xe nào nhưng công ty vẫn có thể điều hành hệ thống kết nối và chia sẻ các phương tiện vận tải ở nhiều thành phố khác nhau.
Tại hội thảo, SAP cũng đưa ra khuyến nghị, các tổ chức khu vực công và tư nhân tại Việt Nam cần đẩy mạnh khai thác sức mạnh dữ liệu hơn nữa để gia tăng giá trị của doanh nghiệp. Theo đại diện của SAP ở khu vực Đông Nam Á, điều thách thức nhất với các doanh nghiệp trong việc triển khai giải pháp số hóa không nằm ở công nghệ, mà nó nằm ở khâu quản lý quy trình thay đổi, thứ liên quan tới cả tư duy của doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin có bài trình bày tham luận tại hội nghị với nội dung Tiến tới một Việt Nam 4.0 (Moving towards a Vietnam 4.0). Bài trình bày đã đưa đến cho hội thảo một bức tranh toàn cảnh về Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Sau khi khái quát các tính chất đặc trưng của CMCN 4.0, TS. Nguyễn Trường Thắng trình bày tóm tắt một số nội dung quan trọng về quyết tâm thực hiện CMCN 4.0 chính phủ Việt Nam trong đó có Chỉ thị 16/CT-TTg năm 2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Thủ tướng Chính phủ. Trong nội dung Chỉ thị 16/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu, đánh giá xu hướng vận động, nắm bắt các xu thế phát triển khoa học và công nghệ; chủ trì, tổ chức triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ mũi nhọn, tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Bà Ash Lim, Phó chủ tịch phụ trách Tiếp thị của SAP Đông Nam Á, gửi lời cám ơn các đại biểu tham dự và cam kết sẽ đưa các hội thảo tương tự do SAP tổ chức đến Việt Nam để các nhà đổi mới sáng tạo Việt Nam có cơ hội tiếp cận và cập nhật tình hình công nghệ thế giới.
Một số hình ảnh tại hội thảo