Chiều 23/12, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội nhà báo Việt Nam đã công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật năm 2020, thuộc các lĩnh vực cơ chế chính sách, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, nghiên cứu ứng dụng, hợp tác quốc tế, tôn vinh nhà khoa học. Tham dự Lễ công bố có GS. Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN; Ông Nguyễn Mai Dương, Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ; nhà báo Hà Hồng, Chủ nhiệm CLB Nhà báo Khoa học và Công nghệ; PGS. TS. Hà Quý Quỳnh, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm KHCNVN; cùng đông đảo các nhà báo và đại diện 10 sự kiện được vinh danh.
Đây là năm thứ 15 sự kiện được Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức; với sự tham gia bình chọn của hơn 60 nhà báo viết về lĩnh vực khoa học và công nghệ của gần 25 cơ quan truyền thông đại chúng của trung ương và địa phương; Bên cạnh đó còn có sự đánh giá của các nhà quản lý, nhà khoa học uy tín.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vinh dự đóng góp 02 sự kiện trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2020: Xây dựng thành công công nghệ điều khiển bay và thu hồi khí cầu tầng bình lưu của PGS. TS. Phạm Hồng Quang, Trung tâm Tin học và Tính toán; PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh, Viện Công nghệ môi trường nhận Giải thưởng Sáng tạo châu Á 2020.
Trao chứng nhận cho đại diện các sự kiện được bình chọn
Đại diện 02 sự kiện của Viện Hàn lâm KHCNVN chụp ảnh lưu niệm
Danh sách 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2020 gồm:
Lĩnh vực Cơ chế chính sách
1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia
Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Lĩnh vực khoa học tự nhiên
2. Những nghiên cứu thành công về vi-rút SARS-CoV-2
* Nuôi cấy, phân lập vi-rút SARS–Co-2 trong phòng thí nghiệm
Ngày 7-2-2020, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) công bố việc nuôi cấy và phân lập thành công vi-rút SARS–CoV-2 trong phòng thí nghiệm. Thành công này tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm vi-rút SARS–CoV-2. Từ kết quả này, mỗi ngày tại Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết.
* Nghiên cứu, chế tạo bộ kít chẩn đoán vi-rút SARS–CoV-2
Ngày 5-3-2020, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm (bộ kít) realtime RT PCR phát hiện vi–rút SARS–CoV-2. Vào thời điểm đó, Việt Nam là một số ít quốc gia thành công trong việc nghiên cứu chế tạo bộ kít chuẩn đoán vi-rut SARS CoV-2.
3. Xây dựng thành công công nghệ điều khiển bay và thu hồi khí cầu tầng bình lưu
Đề tài VT-CN.04/17-20 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020 “Nghiên cứu tiếp cận công nghệ sử dụng khinh khí cầu thả ở tầng bình lưu tích hợp công nghệ trạm thu phát thông tin để giám sát, dẫn đường, tìm kiếm cứu hộ và đo đạc thông số vật lý môi trường tầng khí quyển” do PGS.TS Phạm Hồng Quang - Trung tâm Tin học và Tính toán thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì. Mục đích của đề tài nhằm nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm khinh khí cầu tầng bình lưu mang hệ thống thiết bị ứng dụng trong việc đo đạc thám không; truyền tin cảm biến môi trường, cảnh báo thiên tai; giám sát, dẫn đường cho các tàu đi biển xa, người hoặc phương tiện; chỉ báo vị trí khẩn tìm kiếm cứu hộ. Sau 3 năm nghiên cứu và thử nghiệm, các nhà khoa học có khả năng triển khai mạng lưới Intenet vạn vật (IoT) rộng khắp với giá thành rẻ phục vụ các mục tiêu cứu hộ cứu nạn trên biển và núi rừng, giám sát hành trình tàu cá xa bờ, thu thập thông tin lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng, dẫn đường thông tin liên lạc cho các tàu đánh cá mà không cần các thiết bị truyền dẫn thông qua vệ tinh đắt tiền và đòi hỏi năng lượng lớn.
Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn
4. Bàn giao bản thảo bộ Quốc sử Việt Nam
Ngày 12-11-2020, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lễ tiếp nhận bản thảo Bộ lịch sử Việt Nam. Đây là sản phẩm của Đề án “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam” (còn gọi là Quốc sử) được thực hiện từ năm 2015, gồm 25 tập Thông sử ( gồm 13 tập lịch sử Việt Nam thời kỳ cổ - trung đại và 12 tập thời kỳ cận - hiện đại) và 5 tập Biên niên sự kiện lịch sử (trong đó 3 tập thời kỳ cổ - trung đại, 2 tập thời kỳ cận - hiện đại).
Lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng
5. Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị tự sản xuất
Ngày 17-1-2020, với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Viettel đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm. Hiện nay, trên thế giới có 5 công ty đã sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G bao gồm: Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ 6 trên thế giới sản xuất thiết bị này. Trong số các nhà cung cấp kể trên, chỉ có duy nhất Viettel vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng sản xuất các thiết bị mạng. Viettel cùng với 2 nhà mạng khác VinaPhone và MobiFone, hiện đang triển khai cung cấp thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
6. Ứng dụng Bluezone được triển khai rộng rãi
Ngày 18-4-2020, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế tổ chức lễ khai trương nền tảng ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống dịch Covid-19. Đây là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy). Khi các điện thoại thông minh cùng cài ứng dụng Bluezone thì chúng tự phát hiện nhau trong khoảng cách 2m và tự ghi nhớ. Đến giữa tháng 11-2020, đã có hơn 23 triệu người Việt Nam cài đặt và sử dụng Bluezone.
7. Hoàn thành kè bảo vệ hồ Hoàn Kiếm công nghệ bê-tông cốt phi kim thành mỏng, khối rỗng liên kết module của tác giả Hoàng Đức Thảo, Tổng giám đốc Busadco
Ngày 20-8-2020, tại vị trí cầu Thê Húc (hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội), Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco), đơn vị thi công kè hồ Hoàn Kiếm đã chính thức hợp long toàn tuyến, hoàn thành công trình kè hồ với tổng chiều dài gần 1.500m sau 65 ngày đêm thi công trước thời hạn hai tháng. Riêng kè hồ Hoàn kiếm được đơn vị nghiên cứu rất kỹ lưỡng, tỷ mỉ để đưa ra được sản phẩm chất lượng tốt nhất cả về kỹ thuật, mỹ thuật, văn hóa tâm linh và bảo vệ môi trường.
Lĩnh vực hợp tác quốc tế
8. Các nhà khoa học Việt Nam tham gia một thí nghiệm được công bố trên Nature
Lần đầu tiên, các nhà vật lý Việt Nam được tham gia đồng tác giả công bố một công trình mang tính chất đột phá trên Nature, tạp chí có chất lượng học thuật hàng đầu thế giới. Đó là thí nghiệm quốc tế T2K với bài báo khoa học “Ràng buộc tham số pha vi phạm đối xứng vật chất - phản vật chất trong dao động neutrino” đăng trên Nature ngày 16-4-2020. Thí nghiệm này được thực hiện tại Nhật Bản với sự hợp tác quốc tế của khoảng 600 nhà vật lý và kỹ sư với hơn 60 tổ chức nghiên cứu đến từ 12 quốc gia trên thế giới. Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất tham gia thí nghiệm này ngoài nước chủ nhà Nhật Bản. Đại diện là nhóm nghiên cứu Neutrino của Viện nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành Quy Nhơn.
Lĩnh vực tôn vinh nhà khoa học
9. Phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh dính liền vùng chậu
Ngày 15-7-2020, sau 12 giờ phẫu thuật, gần 100 bác sỹ, nhân viên y tế từ các bệnh viện hàng đầu tại thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh dính liền vùng chậu cực kỳ hiếm gặp trên thế giới. Ca phẫu thuật đã thể hiện trình độ chuyên môn cao của các bác sĩ và sự tiến bộ vượt bậc của nền y học Việt Nam.
10. PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh nhận Giải thưởng Sáng tạo châu Á 2020