Trong 2 ngày 24 - 25/10, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Lớp Tập huấn về kiến thức và kinh nghiệm chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế. Lớp Tập huấn được tổ chức với mục đích nâng cao kiến thức và kinh nghiệm đàm phán, soạn thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ phục vụ công việc thực hiện chuyển giao công nghệ và tư vấn, nghiên cứu chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế. Đây là hoạt động nằm trong chương trình phối hợp khoa học công nghệ thuộc mạng lưới IP-Hub giữa Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm KHCNVN và Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Phát biểu khai mạc Lớp Tập huấn, PGS.TS. Phan Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai Công nghệ, Viện Hàn lâm KHCNVN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển giao công nghệ và đổi mới công nghệ đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm KHCNVN. Hoạt động chuyển giao công nghệ giữa các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, thường mang tính tự phát, thiếu cơ quan dịch vụ trung gian môi giới hợp đồng chuyển giao công nghệ, liên kết giữa bên mua và bên bán công nghệ. Bên cạnh việc đổi mới công nghệ là một nhu cầu tất yếu của quy luật phát triển, các đơn vị nghiên cứu của Viện Hàn lâm cũng phải không ngừng trau dồi và tăng cường năng lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu, mà cấu phần quan trọng để tạo nên một thỏa thuận hợp tác sòng phẳng, không chỉ mang lại lợi ích song phương, mà còn bảo vệ quyền lợi ở mức tối đa cho đơn vị nghiên cứu, đó chính là Hợp đồng chuyển giao công nghệ. Lớp tập huấn này được tổ chức với mục đích đem lại những kiến thức cơ bản cho người học về việc lập Hợp đồng chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế. Các yêu cầu cơ bản về hình thức cũng như nội dung của Hợp đồng, đảm bảo cho một sự hợp tác và chuyển giao công nghệ phù hợp với bối cảnh và điều kiện hai bên.
Toàn cảnh Lớp Tập huấn
PGS.TS. Phan Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khai mạc Lớp tập huấn
Giảng viên mời của Lớp Tập huấn là PGS.TS. Trần Văn Hải, Giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội – Chuyên gia nghiên cứu, tư vấn về chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ. Lớp Tập huấn bao gồm các nội dung về hợp đồng chuyển giao công nghệ, đàm phán hợp đồng, giá chuyển giao, phương thức thanh toán và thực hành soạn thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế.
PGS.TS. Trần Văn Hải là giảng viên mời tại Lớp Tập huấn
Tham dự Lớp tập huấn là các cán bộ quản lý, nhà khoa học đến từ các đơn vị trực thuộc tại phía Bắc của Viện Hàn lâm KHCNVN .
Hoạt động chuyển giao công nghệ tại Viện Hàn lâm KHCNVN trong những năm gần đây đã có những bước tiến đáng kể và đang diễn ra hết sức sôi động. Rất nhiều doanh nghiệp trong nước đã tìm đến với những nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHCNVN và mong muốn được cùng hợp tác. Việc ngày càng nhiều doanh nghiệp tiếp nhận kết quả nghiên cứu để triển khai sản xuất sẽ là động lực để các nhà khoa học có trách nhiệm hơn với kết quả nghiên cứu của mình, cùng doanh nghiệp tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng, cần có hành lang pháp lý đầy đủ và cơ chế phù hợp để hoạt động chuyển giao công nghệ thuận lợi hơn. Thực tế, có trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng nhận chuyển giao nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng từ các nhà khoa học, nhưng một thời gian sau đó không sử dụng nguyên liệu được chuyển giao mà đi mua từ nguồn khác rẻ tiền, kém chất lượng. Trong khi đó, nhà khoa học không thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm theo các tiêu chí nghiên cứu. Khắc phục bất cập này, cần xây dựng cơ chế để các cơ sở nghiên cứu khoa học đẩy mạnh hình thành doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, trong đó gắn kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, phòng thí nghiệm và doanh nghiệp. Một mặt, nếu sản phẩm để cho nhà khoa học phát triển thì sản phẩm tạo ra bị hạn chế về quy mô sản xuất, thiếu cạnh tranh về giá, khó có tính lan tỏa tốt. Mặt khác, nếu để cho doanh nghiệp phát triển thì hạn chế về nghiên cứu phát triển (R&D) và cải thiện chất lượng sản phẩm. Do đó, cần có mô hình doanh nghiệp về KH&CN, được hình thành từ các nhà khoa học kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để liên tục phát triển, cải thiện sản phẩm. Mô hình này cho phép cơ sở nghiên cứu và nhà sáng chế cùng sở hữu sản phẩm. Ðiều đó gắn quyền lợi và trách nhiệm của các nhà khoa học, giúp việc nghiên cứu tận tâm, sát thực tế hơn.
Lớp Tập huấn diễn ra sôi nổi, thảo luận tích cực với nhiều câu hỏi, trao đổi về khó khăn trong soạn thảo và ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ. Các học viên chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, những giải pháp thiết thực để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai nhiệm vụ. Các học viên đều đánh giá cao nội dung học tập và mong muốn tiếp tục được tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu hơn về nội dung này. Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong 04 buổi học liên tục, PGS.TS. Phan Tiến Dũng đã gửi lời cảm ơn đến các học viên, PGS.TS. Trần Văn Hải đã đóng góp vào sự thành công của Lớp Tập huấn.
Kết thúc Lớp Tập huấn, đại diện Viện Hàn lâm KHCNVN và đại diện Cục Sở hữu trí tuệ đã trao Giấy chứng nhận (do Cục Sở hữu trí tuệ cấp) cho 190 học viên tham gia lớp học.
Các học viên của Lớp Tập huấn nhận Giấy chứng nhận do Cục Sở hữu trí tuệ cấp