Ngày 13/12/2016, Đoàn cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ do đồng chí Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ dẫn đầu cùng lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ đã đến thăm và làm việc tại Viện Hàn lâm KHCNVN
Tiếp đoàn về phía Viện Hàn lâm KHCNVN có GS.VS. Châu Văn Minh – Chủ tịch Viện HLKHCNVN, TS. Hà Quý Quỳnh – Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, PGS.TS. Phan Tiến Dũng – Phó trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, PGS.TS. Lê Trường Giang - Phó trưởng Ban Kế hoạch – Tài Chính, ông Đặng Việt Tiến – Phó trưởng Ban Tổ chức – Cán Bộ, PGS. TS. Nguyễn Hồng Quang – Giám đốc Trung tâm thông tin tư liệu và TS. Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin.
Toàn cảnh buổi làm việc
Hai bên đã thảo luận hợp tác xây dựng mạng lưới Trung tâm Sở hữu trí tuệ nhằm đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ và thương mại hóa công nghệ. Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Việt Nam có trên 12.000 tiến sĩ tham gia nghiên cứu tại các trường cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu. Hiện nay số lượng đơn sáng chế của chủ đơn Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% tổng số đơn đăng ký sáng chế nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ (500-600 đơn/năm). Số lượng bằng độc quyền sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu chiếm tỷ lệ thấp (4% của các trường đại học, 11% của các viện nghiên cứu). Tính từ năm 2010 – 2016, số lượng đơn sáng chế và giải pháp hữu ích của Viện Hàn lâm KHCNVN lần lượt là 106 và 77; của Đại học Bách khoa Hà Nội là 73 và 48; của Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh là 90 và 108; của Đại học Quốc gia Hà Nội là 25 và 18.
Tại buổi làm việc, PGS.TS. Phan Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ - Viện Hàn lâm KHCNVN đã thông báo một số kết quả hoạt động sở hữu trí tuệ của Viện Hàn lâm trong những năm vừa qua. Số Bằng sáng chế, Giải pháp hữu ích của Viện tăng mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể: năm 2010 là 10 bằng, 2011 là 11 bằng; năm 2012 là 12 bằng; năm 2013 là 13 bằng; năm 2014 là 13 bằng; năm 2015 là 18 bằng và năm 2016 là 32 bằng. Để có được kết quả này, Viện đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cũng như ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà khoa học đăng ký sở hữu công nghiệp. Với sự hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ, Chương trình 68 bước đầu nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ cho nhà khoa học, quản lý, hoàn thiện tổ chức hoạt động sở hữu trí tuệ của Viện Hàn lâm, tạo được kết quả khả quan về Bằng sở hữu công nghệ được cấp và số đơn nộp đăng ký sở hữu công nghệ.
Theo Cục sở hữu trí tuệ, nguyên nhân số lượng sáng chế của Việt Nam còn ít trong thời gian qua là do nguồn tài chính chi cho hoạt động nghiên cứu còn thấp; nhu cầu xác lập quyền sở hữu trí tuệ chưa cấp bách; phần thưởng cho nhà sáng tạo chưa xứng đáng; các hoạt động quản lý, phát triển, marketing tài sản trí tuệ trong các trường Đại học và Viện nghiên cứu chưa sôi động; các nhà sáng chế chữa hiểu biết thủ tục đăng ký sáng chế cũng như chưa biết cách thể hiện bản mô tả sáng chế, đặc biệt là các nhà sáng chế chưa nắm vững kỹ năng tra cứu thông tin sáng chế, do đó không đánh giá được sơ bộ khả năng bảo hộ của đơn; việc bộc lộ khi đăng ký sáng chế trong các bài báo khoa học (ân hạn chỉ trong 6 tháng), tham gia triển lãm, bộc lộ trong hội nghị, hội thảo, hướng dẫn học viên trong nghiên cứu đã làm mất tính mới của sáng chế… Do đó, để phát triển tài sản trí tuệ trong các trường Đại học, Viện nghiên cứu cũng như thương mại hóa được các tài sản trí tuệ, có 3 giải pháp được nêu ra gồm:
Một là, khuyến khích doanh nghiệp mua sáng chế, trong đó nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí mua sáng chế; ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp mua sáng chế Việt Nam; tư vấn về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp; đào tạo tập huấn các kỹ năng khai thác thông tin sở hữu công nghiệp và nâng cao nhận thức về tài sản trí tuệ.
Hai là, khuyến khích, khen thưởng nhà khoa học đăng ký sáng chế, trong đó ưu tiên tài trợ cho các đề tài đăng ký sản phẩm có sáng chế, hỗ trợ kinh phí đăng ký sáng chế trong nước và quốc tế.
Ba là, xây dựng mạng lưới hỗ trợ về pháp lý (thủ tục đăng ký, định giá tài sản trí tuệ, xử lý xâm phậm), hỗ trợ về đào tạo (viết bản mô tả sáng chế, tra cứu thông tin, đăng ký sáng chế ra nước ngoài), hỗ trợ về thương mại hóa (kết nối cung cầu trong và ngoài nước, hỗ trợ sản xuất thử và tạo mẫu).
Mạng lưới các Trung tâm sở hữu trí tuệ trong các trường Đại học, Viện nghiên cứu và Doanh nghiệp
Thứ trưởng Trần Việt Thanh đánh giá cao kết quả đạt được của Viện Hàn lâm trong công tác sở hữu trí tuệ và nhấn mạnh hiện nay việc xây dựng mạng lưới các Trung tâm sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp lớn trong đó có Viện Hàn lâm là cần thiết. Cục sở hữu trí tuệ đóng vai trò trung tâm thực hiện các nhiệm vụ như đề xuất các chính sách khung về sở hữu trí tuệ đối với các trường đại học, viện nghiên cứu trong mạng lưới; đào tạo chuyên sâu kỹ năng tra cứu thông tin sáng chế cho mạng lưới; đào tạo chuyên sâu kỹ năng viết bản mô tả sáng chế cho mạng lưới; cung cấp các dịch vụ chuyên sâu về thông tin sáng chế (tra cứu để sử dụng tự do công nghệ có sẵn, tra cứu xác định xâm phạm, patent map…); đề nghị sự hỗ trợ của WIPO cho mạng lưới; hình thành và phát triển mạng lưới kết nối cung-cầu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Châu Văn Minh bày tỏ sự ủng hộ đối với mạng lưới các Trung tâm sở hữu trí tuệ và sẽ là một thành viên của mạng lưới trên, đồng thời đề xuất Trung tâm thông tin tư liệu là đầu mối. Chủ tịch hy vọng mạng lưới các Trung tâm sở hữu trí tuệ sẽ hoạt động hiệu quả và ngày càng phát triển, từ đó hỗ trợ tăng nhanh số đơn đăng ký bằng sáng chế, giải pháp hữu ích của Viện Hàn lâm.