Công ty TNHH Một thành viên Lọc - Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất, giữ vai trò tiên phong và đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam, đồng thời là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. NMLD Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Đến hết năm 2017 giá trị nộp ngân sách Nhà nước của BSR gần 6,5 tỷ USD, hơn gấp đôi tổng mức đầu tư NMLD Dung Quất, điều này cho thấy hiệu quả của dự án NMLD Dung Quất. BSR ký kết thỏa thuận hợp tác với Viện Công nghệ thông tin là bước chuẩn bị cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển để BSR tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 để nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả điều hành doanh nghiệp.
Ngày 23/03/2018, tại Trụ sở Công ty TNHH MTV Lọc – Hóa dầu Bình Sơn, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Viện Công nghệ thông tin - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã hoàn tất việc ký kết văn kiện hợp tác gồm Biên bản ghi nhớ và Thỏa thuận bảo mật thông tin.
Hình ảnh: Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn (Nguồn BSR)
Với mục tiêu chính là phát triển và duy trì quan hệ tốt đẹp giữa hai đơn vị, các văn kiện hợp tác này sẽ đóng vai trò là cơ sở để hai đơn vị cùng xây dựng và tham gia các dự án nghiên cứu khoa học, các hợp đồng tư vấn, triển khai ứng dụng, các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu…Một số nội dung hợp tác chính gồm:
- Hợp tác thực hiện và triển khai các dự án nghiên cứu và phát triển tập trung vào các công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0;
- Đào tạo và trao đổi cán bộ nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, triển khai các dự án CNTT, tự động hóa;
- Tư vấn, tăng cường trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển các dự án KHCN;
Trong đó, việc hợp tác thực hiện và triển khai các dự án nghiên cứu và phát triển tập trung vào các công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0 là một nội dung then chốt nhằm tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 của BSR và đưa những kết quả nghiên cứu & phát triển của Viện CNTT được triển khai trong thực tế tại một trong những doanh nghiệp dầu khí hàng đầu Việt Nam. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển và ứng dụng KHCN của BSR trong bối cảnh Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 04/05/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận quốc gia đối với CMCN 4.0.
Ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc BSR- nhận định, BSR nhận thức rõ được tầm quan trọng của KHCN đặc biệt công nghệ số, tự động hóa trong sản xuất và quản trị doanh nghiệp. Theo đánh giá của các đơn vị tư vấn, mức độ trưởng thành doanh nghiệp của BSR thuộc mức trung bình so với nhóm dẫn đầu của các công trình lọc hóa dầu hàng đầu thế giới. Để triển khai các kế hoạch chuẩn bị cho CMCN 4.0, BSR sẽ tập trung nguồn lực và khẩn trương triển khai các hạng mục công việc theo lộ trình IT Master Plan. Đồng thời trình duyệt và thành lập Ban CNTT nhằm tập trung nguồn lực và đội ngũ chuyên trách để chủ động thích ứng với CMCN 4.0. Việc ký kết các văn kiện hợp tác là bước đi cụ thể và mang tích chiến lược cao để BSR hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên.
Sau gần 9 năm đi vào hoạt động từ tháng 2/2009, NMLD Dung Quất đã sản xuất và xuất bán gần 50 triệu tấn sản phẩm các loại ra thị trường, đạt doanh thu 862,5 ngàn tỉ đồng (~38 tỉ USD), nộp ngân sách nhà nước hơn 143,1 nghìn tỉ đồng (gần 7 tỉ USD). Các chỉ số tài chính của Công ty BSR trong 11 tháng 2017 đều ở mức cao với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ ROE là 21,12%; Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ROS là 10,56%; Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản ROA là 11,9%. Ngoài ra, BSR là doanh nghiệp đứng thứ 16 trong tốp 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất 2017 và đứng thứ 7 trong danh sách các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017 theo đánh giá của tổ chức Vietnam Report. Ngày 17/1/2018, BSR đã chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) với diễn biễn hết sức thành công. Phiên IPO này vượt mọi mong đợi khi nhà nước thu về số tiền cao hơn dự kiến 60%. Cụ thể, mức giá trúng bình quân là 23.043 đồng/cổ phiếu cao hơn 60% so với giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phiếu. Với đợt IPO này, giá trị vốn hóa của BSR ước tính khoảng 3,2 tỉ USD.
Ông Nguyễn Hoài Giang – Chủ tịch HĐTV BSR – cũng khẳng định sự ưu tiên của BSR đối với CMCN 4.0. Theo đó, sự thành công của đợt IPO vừa qua là hệ quả của 10 năm bền bỉ ứng dụng KHCN hiện đại vào nhà máy. Gần 10 năm trước, BSR bắt đ��u đưa nhà máy vào vận hành với muôn vàn khó khăn, vô vàn thử thách, sự cố của một nhà máy quá phức tạp, mới mẻ, quá quy mô. Từ 2010 cho đến nay mọi việc dễ dàng hơn nhiều về vận hành sản xuất kinh doanh nhờ ứng dụng KHCN hiện đại theo chuẩn quốc tế vào sản xuất, điều hành.
Do vậy, ông cho rằng tương lai của BSR phụ thuộc vào năng lực tiếp cận CMCN 4.0.Việc ký kết thỏa thuận với BSR cũng khẳng định nỗ lực của Viện CNTT trong việc kết nối với các doanh nghiệp hàng đầu, đưa những kết quả nghiên cứu phát triển vào ứng dụng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng của đất nước ở những công trình, dự án trọng điểm của quốc gia.