Giải thưởng Khoa học kỹ thuật Thanh niên “Quả Cầu Vàng” do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trao cho 10 tài năng trẻ xuất sắc trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật
Năm 2014, giải thưởng được triển khai rộng rãi trong cả nước và xét trao trong 4 lĩnh vực: Công nghệ thông tin và Truyền thông; Công nghệ y-dược; Công nghệ sinh học và Công nghệ môi trường. Vượt qua 50 hồ sơ của 26 đơn vị đề cử, gồm 21 tỉnh, thành, 5 Bộ, Ngành, Đoàn trực thuộc, và qua hai vòng đánh giá của Hội đồng Giải thưởng Cầu Vàng năm 2014, tiến sĩ Phạm Thanh Giang là một trong hai cán bộ khoa học trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã vinh dự lọt vào số 10 tài năng trẻ của cả nước nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2014.
Tiến sĩ Phạm Thanh Giang, sinh ngày 4/3/1980 tại Hải Dương, từng là học sinh giỏi quốc gia qua các bậc trung học, đại học môn Vật lý. Năm 2005, giành được suất học bổng của MEXT do chính phủ Nhật Bản tài trợ, Phạm Thanh Giang trở thành một trong mười ứng viên khu vực ASEAN sang Nhật học Thạc sĩ. Nhờ những kết quả khả quan trong học tập và nghiên cứu, anh tiếp tục được Chính phủ Nhật Bản đài thọ cho khóa đào tạo Tiến sĩ tại Đại học Kỹ thuật Nagaoka, Nhật Bản. Trước khi đi đào tạo Tiến sĩ ở nước ngoài, Phạm Thanh Giang đã tham gia và là thành viên chủ chốt của một số đề tài cơ sở như: "Nghiên cứu giải pháp bảo vệ thông tin VoIP trên mạng Internet - Intranet", "Xây dựng hệ thống thoại Internet an toàn"… nhằm bảo đảm an toàn cho luồng thông tin VoIP khi ở thời điểm đó các chuẩn về an ninh cho luồng đa phương tiện theo thời gian thực chưa được công bố. Giang cùng các đồng nghiệp trong phòng tin học viễn thông, dưới sự dẫn dắt của PGS.TS Nguyễn Văn Tam, từng bước tiếp cận với các bài toán lớn về tính toán hiệu năng cao, tính toán lưới và điện toán đám mây… là những vấn đề thời sự của lĩnh vực CNTT thế giới. Với vai trò chủ chốt về công nghệ mạng trong hệ thống Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia công nghệ mạng và đa phương tiện (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nhờ sự phối hợp và liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước như Viện tin học Pháp ngữ, Viện tính toán lưới của Pháp… nhóm nghiên cứu của Phạm Thanh Giang đã xây dựng thành công nút tính toán lưới tại Viện Công nghệ Thông tin ( CNTT) kết nối với hệ thống tính toán lưới của châu Âu (EGI). Đồng thời anh cũng tranh thủ được tổ chức CNRS của Pháp tổ chức được nhiều lớp học liên quan đến tính toán hiệu năng cao, tính toán lưới và điện toán đám mây tại Việt Nam.
Đến nay, sau hơn mười năm nghiên cứu và giảng dạy tại Viện CNTT, TS. Phạm Thanh Giang đã tham gia hàng chục đề tài, dự án các cấp. Anh là đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, trong đó có 23 bài báo công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế (trong đó có ba bài thuộc danh mục SCI). Năm 2011 anh làm chủ nhiệm đề tài nhánh cấp Nhà nước “Nghiên cứu phát triển hệ thống Video conference, Camera giám sát phục vụ một số dịch vụ đa phương tiện qua mạng viễn thông WiMAX” thuộc đề tài trọng điểm cấp Nhà nước. Năm 2012 anh là chủ nhiệm đề tài Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia Công nghệ mạng và Đa phương tiện “Nghiên cứu xây dựng hệ thống tích hợp đa dịch vụ trên nền mạng di động không dây băng thông rộng WiMAX 4G”. Năm 2012-2013, anh chủ nhiệm đề tài NAFOSTED “Nghiên cứu một số phương pháp đảm bảo chất lượng dịch vụ trong mạng không dây AD HOC và ứng dụng” và chủ nhiệm đề tài cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam “Ứng dụng lưới và đám mây điện toán để tính sẵn các kịch bản lan truyền sóng thần có thể xáy ra tại khu vực biển Đông nhằm phục vụ công tác cảnh báo”; đây là đề tài mà anh tâm đắc nhất bởi lần đầu tiên ở nước ta, sử dụng công nghệ tính toán lưới và điện toán đám mây để xác định các kịch bản sóng thần tiêu biểu phát sinh trên vùng nguồn Máng biển sâu Manila và tác động trực tiếp đến toàn bộ vùng biển Việt Nam.
Đam mê nghiên cứu khoa học, đưa các kết quả triển khai ứng dụng vào thực tế đời sống đã giúp TS. Phạm Thanh Giang được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao bằng chứng nhận "Tài năng trẻ khoa học công nghệ năm 2012". Đầu năm 2015, anh lại vinh dự nhận giải thưởng khoa học và kỹ thuật thanh niên "Quả cầu vàng" (cũng do hai đơn vị vừa nêu ở trên phối hợp tổ chức). Và ba năm gần đây, Phạm Thanh Giang liên tục được bầu chọn là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở của Viện CNTT. Cùng với Viện CNTT nói chung, Phòng Tin học viễn thông do Phạm Thanh Giang phụ trách đang phấn đấu trở thành tập thể nghiên cứu mạnh. Anh cho biết, từ năm 2016 và các năm tiếp theo, với đội ngũ cán bộ có trình độ cao giàu kinh nghiệm và các cán bộ trẻ giàu nhiệt huyết sẽ không ngừng mở rộng hợp tác, trao đổi về chuyên môn học thuật với các nhà khoa học hàng đầu v��� tính toán hiệu năng cao, điện toán lưới và đám mây của Mỹ, các vấn đề cơ bản của mạng máy tính với các chuyên gia Đức, Nhật Bản… để không ngừng chuyển giao kết quả nghiên cứu mới vào đời sống; nhằm góp phần phục vụ sự phát triển của các ngành kinh tế - xã hội trên đất nước.