Khái niệm mạng 5G đã trở nên rất phổ biến trong thời gian qua. Vậy bạn có biết mạng 5G là gì và nó sẽ làm thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào? Hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Hãy nhìn vào góc trên cùng của màn hình điện thoại, rất có thể bạn sẽ thấy ký tự 4G. Điều này có nghĩa là bạn đang sử dụng mạng di động công nghệ 4G với tốc độ cao. Nếu bạn đi đến các vùng ngoại ô hoặc nông thôn, nơi vùng phủ sóng mạng di động kém hơn, ký tự mạng sẽ chuyển sang chữ 3G, với tốc độ kết nối mạng Internet trên di động chậm và kém ổn định hơn.
Giờ đây, mạng di động sắp được chuyển sang một thế hệ mới, với tốc độ kết nối nhanh hơn, phạm vi phủ sóng lớn và ổn định, đó là công nghệ mạng 5G.
Chữ “G” là viết tắt của Generation (thế hệ). 5G là thế hệ công nghệ di động thứ 5 (hoặc công nghệ mạng công nghệ di động thứ 5), là thế hệ tiếp theo của công nghệ di động thế hệ thứ 4 (4G), được thiết kế để cải thiện đáng kể tốc độ kết nối mạng Internet di động, độ phủ sóng và độ trễ của mạng di động.
“Thế hệ mạng mới này sẽ có tác động tương tự như cách điện, silicon và năng lượng hơi nước đã từng tạo ra trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây”, Börje Ekholm, CEO và Chủ tịch hãng sản xuất thiết bị viễn thông Thụy Điển Ericsson từng tuyên bố.
Điều làm cho mạng 5G khác với các thế hệ mạng trước đây là nó hoạt động trên tần số vô tuyến cao hơn. Trong khi tất cả các sóng vô tuyến truyền với tốc độ như nhau, bước sóng của một tần số cụ thể ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ truyền dữ liệu của nó. Theo nguyên tắc chung, tần số càng cao thì bước sóng càng ngắn và càng có nhiều băng thông để gửi thông tin.
Tần số cao nhất mà mạng 4G sử dụng là 2,6GHz. Trong khi đó, mạng 5G được truyền đi với tần số từ 3,5GHz đến 6GHz. Đây là lý do tại sao 5G có thể cung cấp cho người dùng tốc độ download lên tới 10Gb/s, gấp 10 lần những gì 4G có thể đạt được. Điều này sẽ cho phép bạn tải xuống một bộ phim chất lượng cao qua mạng không dây chỉ trong vài giây chứ không phải vài phút như trước đây nữa.
Tất nhiên, Internet di động tốc độ cao không chỉ có tốc độ download, mà còn có độ trễ. Đó là độ trễ giao tiếp qua mạng, độ trễ thời gian giữa lúc bạn gửi lệnh, ví dụ như nhấn vào nút nào đó trên trang web và chờ trang web phản hồi, càng ít thời gian phản hồi thì độ trễ càng thấp. Trong khi 4G có độ trễ tối đa là 50 miligiây thì 5G đã giảm nó xuống còn 4 miligiây, mang đến cho bạn kết nối gần như tức thời trong mọi lúc.
Trong vài năm tới, 5G có thể còn nhanh hơn nữa, khi các nhà cung cấp internet có kế hoạch khai thác các tần số vượt quá 6GHz. Một phần của phổ từ 30GHz đến 300GHz được gọi là dải milimet cho bước sóng cực ngắn, chỉ rộng 1-10mm. Những thứ gọi là “sóng milimet” này đã được sử dụng cho thiên văn vô tuyến và súng radar trong quá khứ. Khi chúng ta bắt đầu sử dụng băng thông cực nhanh của sóng milimet, 5G sẽ không còn cảm thấy độ trễ và sẽ mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích.
Tuy nhiên, tần số cao hơn sẽ đi kèm với chi phí cao. Các bước sóng ngắn không thể truyền đi khoảng cách xa và dễ bị gián đoạn. Cụ thể là sóng milimet cần một đường truyền thẳng tới thiết bị mà chúng gửi dữ liệu đến và có thể bị chặn bởi các bức tường hoặc thậm chí là mưa. Để khắc phục điều này cần phải xây dựng nhiều ăng ten hơn để các thiết bị luôn gần nhau, đủ để thu tín hiệu. Tuy nhiên, các tần số cao hơn chỉ cần các ăng ten nhỏ, vì vậy, thay vì sử dụng các tháp điện thoại cao sừng sững trong thành phố, các thiết bị phát sóng sẽ được tích hợp vào các cột điện và đèn giao thông.
Ngày nay, mạng di động không chỉ để phục vụ các cuộc gọi điện, mà chúng ta có đủ loại thiết bị cần mạng di động băng thông rộng: smartphone và máy tính bảng kết nối Internet để mọi người có thể làm việc khi ra ngoài, đồng hồ thông minh, camera giám sát cũng cần kết nối Internet… Xu hướng kết nối chắc chắn sẽ còn phát triển trong thời gian tới, đòi hỏi công nghệ mạng di động cần phải cải thiện để đáp ứng nhu cầu đó. Đó chính là lợi ích cao nhất mà mạng 5G sẽ đáp ứng cho con người.
Không chỉ có tốc độ mạng kết nối nhanh hơn, độ phủ sóng lớn và độ trễ nhỏ hơn, mạng 5G còn hỗ trợ số lượng thiết bị kết nối lớn hơn. Nếu 4G có thể kết nối 100.000 thiết bị trong phạm vi 1km vuông thì thế hệ mạng 5G có khả năng xử lý được 1 triệu thiết bị kết nối trong 1km vuông.
Những tính năng của mạng 5G sẽ giúp đáp ứng được xu thế của “Internet cho vạn vật” trong những năm tiếp theo. Hàng ngàn đồ vật hàng ngày, từ trong nhà đến nơi làm việc hay góc phố đều được gắn cảm biến để kết nối và chia sẻ dữ liệu. Mạng 5G với các ưu điểm về tốc độ nhanh, băng thông rộng, độ bao phủ lớn… sẽ giúp đáp ứng được điều này.
Công nghệ kết nối 5G sẽ dẫn đến những bước tiến nhảy vọt cho các sản phẩm, doanh nghiệp và ngay cả các ngành công nghiệp, từ ô tô tự lái đến trí tuệ nhân tạo…. Các chuyên gia cho rằng 5G có thể thúc đẩy thêm 12 nghìn tỷ USD doanh thu hằng năm vào năm 2035. Do vậy, không quá ngạc nhiên khi các quốc gia cũng như các công ty đều đang chạy đua để triển khai mạng 5G.
Hiện Hàn Quốc đang là quốc gia đầu tiên triển khai 5G trên toàn quốc, trong khi đó cả Trung Quốc và Mỹ đều đặt mục tiêu đạt được điều tương tự vào cuối năm 2020. Có tới 25 thành phố ở Anh sẽ cung cấp 5G vào cuối năm nay, còn Thụy Sĩ đang là quốc gia dẫn đầu ở châu Âu khi triển khai mạng 5G tại 227 khu vực.
Ban đầu, 5G sẽ nhắm vào các doanh nghiệp, nhưng điều này cuối cùng cũng sẽ mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta. Tốc độ nhanh hơn và độ trễ thấp hơn cho doanh nghiệp có nghĩa là phản hồi nhanh hơn và dịch vụ tốt hơn cho người tiêu dùng. Tương lai 5G đang đến nhanh hơn chúng ta mong đợi.