Dữ liệu là trọng tâm để phát triển Chính phủ điện tử
Nghị định 47 xác định rõ vị trí và tầm quan trọng của dữ liệu số trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Nghị định này cũng là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên đặt trọng tâm vào vấn đề dữ liệu trong Chính phủ điện tử.
Theo đó, dữ liệu được coi là nội dung bên trong và là yếu tố cốt lõi trong xây dựng Chính phủ điện tử. Ngay trong nguyên tắc của Nghị định đã khẳng định: Dữ liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan nhà nước được chia sẻ phục vụ các hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, Nghị định đưa ra quy định để thực thi nguyên tắc thu thập dữ liệu một lần “Once-Only”. Nghĩa là, khi dữ liệu đã được cơ quan nhà nước thu thập và quản lý, chia sẻ thì cơ quan nhà nước sẽ không được yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp lại. Nội dung này được đề cập trong cả Nguyên tắc chung của Nghị định cũng như Nguyên tắc quản lý dữ liệu.
Tại Nghị định, các nội dung về quản lý dữ liệu trong cơ quan nhà nước để xây dựng hạ tầng dữ liệu trong Chính phủ điện tử bền vững và nhất quán đã được quy định, làm rõ.
Cụ thể, Nghị định quy định quy trình, yêu cầu để xác lập danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL của bộ, ngành địa phương đã được quy định tại Luật CNTT. Các CSDL này sẽ tạo thành hệ thống các CSDL lõi trong cơ quan nhà nước có mối quan hệ, thống nhất với nhau.
Lần đầu có quy định về chia sẻ dữ liệu
Nghị định 47 đưa ra các quy định được dựa trên các cách thức tiếp cận về dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, sử dụng công nghệ mới trong bối cảnh hiện nay.
Theo đó, thay vì triển khai kết nối theo hướng “bắt tay trực tiếp”, “xin-cho”, Nghị định đưa vào các quy định theo hướng chia sẻ dữ liệu là "phục vụ cho các cơ quan khác qua dịch vụ chia sẻ dữ liệu”, theo đăng ký, yêu cầu.
Việc chia sẻ dữ liệu cũng được quy định qua 2 hình thức chia sẻ dữ liệu mặc định và chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu đặc thù, đáp ứng tất cả các trường hợp chia sẻ dữ liệu thực tế.
Trước đây, các cơ quan nhà nước chỉ tập trung xây dựng dữ liệu phục vụ nhu cầu nội bộ. Điều này làm hạn chế chia sẻ dữ liệu và là nguyên nhân dẫn tới sự cát cứ, trùng lặp.
Nhằm giải quyết tình trạng này, Nghị định mới quy định dữ liệu phải được xây dựng tạo thuận lợi chia sẻ cho bên ngoài, được xác định ngay từ khi xây dựng.
Nghị định cũng quy định công dân, doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước đang quản lý dữ liệu cá nhân của mình chia sẻ cho cơ quan nhà nước khác. Quy định này giúp hạn chế việc phải cung cấp lại dữ liệu, tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Đặc biệt, lần đầu tiên Nghị định đã đưa ra chính sách để thực hiện các công việc quản trị dữ liệu. Theo Cục Tin học hóa, đây là nội dung rất cần thiết khi dữ liệu ngày càng đóng vai trò và trọng tâm trong ứng dụng CNTT để bảo đảm dữ liệu ngày càng bền vững, tin cậy và được làm giàu.