Theo thông tin từ BTC, là năm thứ 5 được tổ chức kể từ năm 2014, Chương trình 50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2018 đã có một số cải tiến nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi số, cũng như có những định hướng phát triển phù hợp với xu thế công nghệ trên thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV.
Chương trình được phát động đầu tháng 6/2018 và tiến hành bình chọn 50+10 doanh nghiệp hàng đầu trong 4 nhóm lĩnh vực: (1) BPO, IT Outsourcing và KPO; (2) Phần mềm, giải pháp và dịch vụ CNTT; (3) Nội dung số, ứng dụng, giải pháp cho mobile; (4) 10 doanh nghiệp có năng lực công nghệ 4.0 tiêu biểu, gồm có: Deha Việt Nam, FPT, MISA, Novaon, Sao Bắc Đầu, Viettel, VNG, VNPay...
Họp báo công bố Danh sách “50+10 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2018
Thông tin từ Vinassa cho hay, ngoài các tiêu chí truyền thống như: nhân lực, thị trường và khách hàng, công nghệ và sản phẩm, tăng trưởng doanh thu, công tác quản trị doanh nghiệp…, Chương trình bình chọn năm nay còn tập trung vào việc phát hiện các điểm sáng là những doanh nghiệp tiêu biểu về năng lực công nghệ 4.0, thông qua các sản phẩm - giải pháp sử dụng các công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo - AI, Internet vạn vật - IoT, Dữ liệu lớn - Big Data, Chuỗi khối - Blockchain…) để giải quyết những bài toán đang tồn tại trong xã hội.
Qua các vòng Sơ khảo – Thẩm định thực tế - Chung khảo theo quy trình và các tiêu chí nghiêm ngặt, Chương trình đã lựa chọn được tổng số 53 doanh nghiệp ở 2 nhóm: 50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam và 10 doanh nghiệp có năng lực công nghệ 4.0 tiêu biểu. Đây đều là các doanh nghiệp đang có sự phát triển mạnh mẽ, có khả năng tác động ảnh hưởng tới xu thế phát triển của thị trường và ngành CNTT tại Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, các doanh nghiệp này có tổng doanh thu năm 2017 đạt 374.433 tỷ VND, tương đương 16,69 tỉ USD, doanh thu của lĩnh vực ứng cử là 71.857 tỷ đồng tương đương 3,2 tỷ USD, chiếm 35,5% doanh thu toàn ngành phần mềm và nội dung số và dịch vụ CNTT Việt Nam năm 2017; tổng số nhân lực là 92.795 người, chiếm 22,9% tổng số nhân lực toàn ngành.
Trong số này, có những đơn vị đang là doanh nghiệp “trụ cột” của nền công nghệ Việt Nam với tiềm lực lớn mạnh và sức tăng trưởng mạnh mẽ, như Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn FPT, Công ty cổ phần MISA, Công ty CMC, Công ty cổ phần VNG, … Cùng đó, đại đa số các doanh nghiệp CNTT thuộc “Top 50” năm nay đều cho biết họ không chỉ tập trung vào các “bài toán” kinh doanh mà còn hết sức quan tâm đến việc đầu tư xây dựng năng lực công nghệ mới và tham gia vào quá trình chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản phẩm - dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Chẳng hạn, FPT phát triển phần mềm cho xe tự hành và bắt đầu hợp tác cung cấp dịch vụ cho 1 số hàng xe lớn tại Nhật và châu Âu, Viettel đưa các công nghệ mới vào phát triển các sản phẩm – giải pháp cho các dự án về Chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh…; hay VNG thành lập trung tâm nghiên cứu thử nghiệm ứng dụng IoT, AI…
Bên cạnh những thành tựu ấn tượng mà các doanh nghiệp đạt được, Ban tổ chức Chương trình bình chọn 50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam cũng ghi nhận một thực trạng đang là mối lo chung của nhiều doanh nghiệp. Đó là nguy cơ thiếu một cách trầm trọng nguồn nhân sự cho cách mạng công nghiệp 4.0, trong bối cảnh các Bộ Ngành, cơ quan – tổ chức tại Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh… Việc đào tạo và đào tạo lại nhân lực cho các công nghệ mới (như AI, IoT, Robotic, AR, VRR, Blockchain, Big Data…) và những kiến thức, kỹ năng phù hợp với sự phát triển, thay đổi của một “xã hội 4.0” và nền kinh tế số đang là một thách thức lớn đối với nền công nghệ Việt Nam.
Từ góc độ của Chương trình Bình chọn để nhìn nhận các vấn đề của ngành, TS. Mai Liêm Trực - Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, chủ tịch Hội đồng Bình chọn của Chương trình - nhận xét: “Với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ năng động cũng như bắt kịp xu thế của thế giới trong CMCN 4.0, nhiều doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã tập trung đầu tư và phát triển các công nghệ mới. Qua quá trình thẩm định thực tế tại doanh nghi��p và đánh giá của Hội đồng Chung tuyển cho thấy các ứng dụng phát triển trên nền công nghệ 4.0 đang có những bước đột phá. Trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào “cuộc chơi 4.0”, kiến tạo một hình ảnh mới cho nền CNTT Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới…”