Bộ TT&TT vừa ban hành Danh mục sản phẩm CNTT trọng điểm gồm 7 nhóm, trong đó có: Thiết bị IPv6; Phần mềm nền tảng mở kết nối IoT; Phần mềm nền tảng mở Chính phủ điện tử; Sản phẩm đảm bảo an toàn thông tin…
Theo thông tư mới được Bộ TT&TT ban hành, sản phẩm đảm bảo an toàn thông tin thuộc Danh mục sản phẩm CNTT trọng điểm (Ảnh minh họa)
|
Thông tư 01 năm 2017 của Bộ TT&TT ban hành Danh mục sản phẩm CNTT trọng điểm sẽ có hiệu lực thi từ ngày 2/4/2017.
Về nguyên tắc xây dựng, Thông tư cho hay, Danh mục sản phẩm CNTT trọng điểm bao gồm các sản phẩm CNTT bảo đảm ít nhất một trong các tiêu chí quy định tại Điều 50 Luật CNTT.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 50 của Luật CNTT, sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm là sản phẩm công nghệ thông tin bảo đảm được một trong những yêu cầu: thị trường trong nước có nhu cầu lớn và tạo giá trị gia tăng cao; có tiềm năng xuất khẩu; có tác động tích cực về đổi mới công nghệ và hiệu quả kinh tế đối với các ngành kinh tế khác; đáp ứng được yêu cầu về quốc phòng, an ninh.
Thông tư 01 của Bộ TT&TT cũng quy định rõ, Danh mục sản phẩm CNTT trọng điểm được xây dựng nhằm hình thành hệ thống sản phẩm CNTT trọng điểm, làm sở cứ phục vụ cho các hoạt động đầu tư, áp dụng các chính sách thuế và chính sách ưu đãi, quản lý xuất nhập khẩu, đồng thời cũng để quản lý chất lượng và các hoạt động khác liên quan tới sản phẩm CNTT.
Danh mục sản phẩm CNTT trọng điểm sẽ được cập nhật, bổ sung theo yêu cầu của thực tiễn và được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT (www.mic.gov.vn).
|
Danh mục sản phẩm CNTT trọng điểm mới được Bộ TT&TT ban hành kèm theo Thông tư 01 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 2/4/2017.
|
Theo Thông tư mới được Bộ TT&TT ban hành, Danh mục sản phẩm CNTT trọng điểm sản phẩm gồm 7 nhóm sản phẩm, trong đó có: Thiết bị thu/phát/chuyển đổi tín hiệu sử dụng trong truyền hình số thế hệ thứ 2 và các thế hệ sau; Thiết bị IPv6 (bao gồm thiết bị mạng lõi, thiết bị định tuyến, thiết bị đầu cuối FTTH và thành phần hỗ trợ IPv6 trong điện thoại thông minh); Thẻ RFID (thiết bị định dạng thông qua sóng radio), thiết bị đọc thẻ RFID; Phần mềm nền tảng mở kết nối IoT (tập hợp các công nghệ, thư viện mở cho phép phát triển các ứng dụng quản lý các thiết bị IoT và khai thác dữ liệu thu được từ các thiết bị này); Phần mềm nền tảng mở phân tích dữ liệu lớn (tập hơn các cong nghệ, thư viện mở cho phép phát triển các ứng dụng tổ chức, khai thác, phân tích dữ liệu lớn với hiệu suất cao); Phần mềm nền tảng mở Chính phủ điện tử (tập hợp các công nghệ, thư viện mở cho phép phát triển các ứng dụng dùng trong chính phủ điện tử có tính kết nối, module hóa cao).
Đặc biệt, sản phẩm đảm bảo an toàn thông tin gồm cả phần cứng và phần mềm cũng có mặt trong Danh mục sản phẩm CNTT trọng điểm. Cụ thể, theo Danh mục, sản phẩm đảm bảo an toàn thông tin bao gồm: Sản phẩm an toàn hạ tầng mạng; Sản phẩm an toàn máy chủ và ứng dụng; Sản phẩm an toàn dữ liệu; Sản phẩm an toàn thông tin; Sản phẩm an toàn cho thiết bị đầu cuối và thiết bị di động; Sản phẩm an toàn thông tin đặc thù theo lĩnh vực quốc phòng, an ninh, điều khiển công nghiệp.
Khoản 3, 4 và 5 Điều 50 của Luật CNTT quy định, các sản phẩm CNTT thuộc Danh mục sản phẩm CNTT trọng điểm được Nhà nước ưu tiên đầu tư nghiên cứu - phát triển, sản xuất. Tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu - phát triển, sản xuất sản phẩm CNTT trọng điểm được hưởng ưu đãi theo quy định của Chính phủ; được Nhà nước ưu tiên đầu tư và được hưởng một phần tiền bản quyền đối với sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm do Nhà nước đầu tư.
Tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu - phát triển, sản xuất sản phẩm CNTT trọng điểm do Nhà nước đầu tư phải đáp ứng các điều kiện do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; không được chuyển giao, chuyển nhượng công nghệ, giải pháp phát triển sản phẩm CNTT trọng điểm do Nhà nước đầu tư khi chưa có sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu sự kiểm tra, kiểm soát, tuân thủ chế độ báo cáo theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hoạt động nghiên cứu - phát triển, sản xuất và xúc tiến thương mại các sản phẩm CNTT trọng điểm.