Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước năm 2019. Theo bảng xếp hạng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm KHCNVN) đứng thứ 2 trong nhóm các cơ quan thuộc Chính phủ, tăng 2 bậc so với năm 2018.
Xếp hạng chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan thuộc Chính phủ năm 2019, số liệu thống kê đến tháng 7 năm 2020.
Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, Viện Hàn lâm KHCNVN đã nỗ lực tập trung thúc đẩy việc phát triển ứng dụng CNTT mọi lĩnh vực hoạt động, (phần lớn là hoạt động trực tuyến không giấy tờ, luôn đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng). Viện Hàn lâm KHCNVN luôn chú trọng xây dựng nhiều cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT phục vụ nghiên cứu khoa học và điều hành tác nghiệp. Viện đã ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT trong toàn hoạt động của viện và thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử.
Cũng như các năm trước, việc đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT năm 2019 đã được Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện theo 3 khối cơ quan, đơn vị, với 6 hạng mục gồm: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan; Trang/cổng thông tin điện tử; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng CNTT; Nhân lực cho ứng dụng CNTT. Mỗi hạng mục được kiểm tra, tính điểm và tổng điểm của các hạng mục được sử dụng để xếp hạng tổng thể cho cơ quan.
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ứng dụng CNTT tại Viện, về hạ tầng kỹ thuật CNTT, Viện Hàn lâm KHCNVN đã triển khai xây dựng, phát triển Trung tâm mạng và tích hợp dữ liệu do Trung tâm Tin học và Tính toán quản lý và vận hành; Hệ thống máy chủ và lưu trữ dữ liệu định hướng đạt các tiêu chuẩn quôc tế; 100% các đơn vị trực thuộc có mạng LAN; tỷ lệ hạ tầng đảm bảo an toàn thông tin đạt 70%. Hạ tầng kỹ thuật CNTT của Viện cũng đã triển khai mô hình điện toán đám mây, hiện đang sử dụng mô hình dịch vụ cung cấp hạ tầng thiết bị IaaS cũng do Trung tâm Tin học và Tính toán phát triển dựa trên mã nguồn mở.
Hiện tại có hơn 2400 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sử dụng hệ thống thư điện tử chính thức của Viện Hàn lâm với tên miền là @*.vast.vn. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành tác nghiệp (VAST-OFICE) đã được triển khai ứng dụng cho 100% các đơn vị trực thuộc. Hệ thống quản lý văn bản điều hành dùng chung giúp cho việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các đơn vị và giữa các đơn vị với một số cơ quan, đơn vị bên ngoài. 100% đơn vị đã triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng và tích hợp với hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp đẩy mạnh công tác xây dựng Chính phủ điện tử. Cấp độ chia sẻ dữ liệu, trao đổi công việc cũng đã được thuận tiện hơn, giảm thiểu chi phí và giấy tờ hành chính. Đặc biệt trong giai đoạn của dịch bệnh Covid-19, Viện Hàn lâm đã tham gia/tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các cơ quan bộ ban ngành và trực tuyến với các đơn vị trong Viện Hàn lâm, triển khai làm việc trực tuyến tại nhà để giảm thiểu mức độ lây lan của dịch bệnh. Viện còn triển khai các ứng dụng cơ bản về quản lý nhân sự, quản lý kế toán tài chính đạt 100%, hệ thống tính toán hiệu năng cao, hệ thống chia sẻ tài nguyên…
Về Trang/Cổng thông tin điện tử của Viện Hàn lâm KHCNVN, đây được coi là một công cụ không thể thiếu trong công tác tuyên truyền, giới thiệu các hoạt động và quảng bá kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của Viện đến gần hơn với bạn đọc trong và ngoài nước. Trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượt truy cập đạt 2,736,471 lần, phản ánh mức độ quan tâm của độc giả. Trang/Cổng thông tin điện tử đáp ứng tốt yêu cầu đăng tải và cung cấp thông tin khoa học công nghệ do đội ngũ chuyên trách thực hiện hoạt động khai thác và biên tập dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm KHCNVN.
Trong thời gian tới, Viện Hàn lâm KHCNVN định hướng tiếp tục thực hiện các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT trong giai đoạn mới là: tập trung xây dựng lộ trình và mục tiêu cụ thể định hướng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường nguồn nhân lực CNTT đáp ứng nhu cầu thực tế; có những giải pháp phù hợp, nâng cấp cơ sở hạ tầng đáp ứng được yêu cầu mới; hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống liên thông gửi, nhận văn bản điện tử và cơ chế chia sẻ dữ liệu, thông tin tới người dùng; phát huy vai trò là đơn vị nghiên cứu khoa học đầu ngành cả nước trong đó có CNTT.