Ngày 29 và 30/11/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Triển lãm 60 năm ngành Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với vai trò là đầu tàu nghiên cứu khoa học trong cả nước, đã đem tới Triển lãm những công nghệ nổi bật, đặc sắc của Viện Hàn lâm KHCNVN. Gian trưng bày của Viện đã thu hút được sự chú ý của các đại biểu và vinh dự đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm.
Với các khối trưng bày đặc trưng, không gian Triển lãm của Viện Hàn lâm vinh dự đón đoàn đại biểu cấp cao do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu ghé thăm và nghe giới thiệu về các công nghệ tiêu biểu, nổi bật của Viện Hàn lâm thời gian gần đây.
Trong dòng chảy lịch sử 60 năm của ngành KHCN, nhiều tấm gương các nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý khoa học tiêu biểu đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền KH&CN nước nhà như: GS. Trần Đại Nghĩa, GS. Hoàng Tụy, GS. Lê Văn Thiêm,…Đây cũng chính là những tên tuổi lớn làm rạng danh khoa học Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời cũng là những nhà khoa học lỗi lạc của Viện Hàn lâm KHCNVN. Trong đó, GS.Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa còn là Viện trưởng đầu tiên của Viện KHCN (tiền thân của Viện Hàn lâm KHCNVN ngày nay), đặt nền móng cho sự phát triển của Viện. Viện Hàn lâm đưa tới một khối trưng bày đặc biệt, những công nghệ có hàm lượng trí tuệ và khả năng ứng dụng cao tạo ra tác động lớn như: vật liệu đặc chủng chịu nhiệt cao sử dụng trong công nghệ tên lửa, cùng với các loại đạn xuyên động năng đặc chủng phục vụ quốc phòng - an ninh, vệ tinh quan sát trái đất, máy bay không người lái và thành tựu trong công nghệ sinh học như giám định ADN, công nghệ giải mã gen,..
Trong chặng đường đã qua, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã chứng minh rằng Viện không chỉ có nghiên cứu hàn lâm mà đang đi đầu về đổi mới sáng tạo.
Công bố khoa học: ưu tiên chất lượng hơn số lượng
Liên tục trong nhiều năm liền, thành tích công bố, đặc biệt là công bố quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam luôn đứng ở vị trí dẫn đầu. Thật vậy, một ví dụ về sự đề cao chất lượng nghiên cứu qua uy tín và danh tiếng của tạp chí đăng tải, đó chính là kết quả của bảng xếp hạng Nature-Index. Nature-Index được biết đến là bảng xếp hạng các đơn vị nghiên cứu hoặc quốc gia, được xây dựng dựa trên nền tảng 82 tạp chí khoa học thuộc 4 nhóm lĩnh vực, gồm: Hóa học, Vật lý học, Khoa học Trái đất & Môi trường, và Khoa học Sự sống. Đây là những tạp chí rất danh tiếng, được chọn lọc ra từ hàng chục nghìn tạp chí khoa học uy tín trên khắp thế giới.
Bảng Current Index. Dữ liệu đầu vào là các công bố từ 1/6/2018 đến 31/5/2019
Hợp đồng khoa học công nghệ ngoài ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng lớn – nền tảng đổi mới sáng tạo
Với vai trò là cơ quan nghiên cứu đầu ngành trong cả nước, tận dụng thế mạnh liên kết và phối kết hợp đa ngành, đa lĩnh vực, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào phục vụ thực tiễn sản xuất và đời sống thông qua các dự án, các hợp đồng sản xuất và dịch vụ khoa học và công nghệ. Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, số hợp đồng khoa học công nghệ của Viện Hàn lâm tăng trưởng một cách ổn định, năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt hợp đồng ngoài ngân sách đạt giá trị gần gấp đôi hợp đồng có nguồn gốc ngân sách nhà nước. Điều này có thể thấy rõ qua biểu đồ tăng trưởng các hợp đồng khoa học và công nghệ dưới đây:
Biểu tổng hợp: Các hợp đồng KHCN VAST thực hiện trong giai đoạn 2104-2018
Từ biểu đồ trên có thể thấy rõ, tổng kinh phí hợp đồng tăng đều theo từng năm, từ năm 2014 đến năm 2018, con số này đã tăng gấp đôi, cho thấy sự phát triển mạnh của hoạt động khoa học công nghệ, đặc biệt các hoạt động KHCN gắn với doanh nghiệp và xã hội.
Sở hữu trí tuệ được tăng cường và liên tục là đơn vị dẫn đầu trong cả nước
Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ Viện Hàn lâm, Công tác ứng dụng và triển khai công nghệ được đẩy mạnh trong giai đoạn 2014-2018, số lượng Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích luôn phát triển theo xu thế đi lên, đặc biệt, năm 2018, Viện đã được cấp 50 Bằng độc quyền, tăng 25% so với năm 2017. Con số này càng ấn tượng khi so sánh với tổng số bằng độc quyền được cấp cho tác giả người Việt Nam, theo báo cáo thường niên của Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2018 có hơn 500 Bằng độc quyền được cấp cho tác giả người Việt Nam, như vậy, Viện Hàn lâm đã chiếm tới 10% thị phần SHTT trong nước. Trong năm 2017,2018 số bằng sáng chế và giải pháp hữu ích của Viện được cấp chiếm khoảng 58% tổng số bằng sáng chế và giải pháp hữu ích của các trường đại học và viện nghiên cứu của Viêt Nam được cấp cùng năm.
Điều đặc biệt không chỉ dừng lại ở những con số dẫn đầu bảng xếp hạng trong nước, mà đáng nói là, các công bố khoa học và Bằng độc quyền này đều được cụ thể hóa thành công nghệ có khả năng thương mại hóa, sẵn sàng chuyển giao cho đối tác, cho doanh nghiệp, phục vụ thiết thực lợi ích của xã hội.
Một số hình ảnh về Triển lãm 60 năm ngành Khoa học và Công nghệ:
GS.VS. Châu Văn Minh giới thiệu đến Thủ tướng vật liệu mới phục vụ an ninh quốc phòng
GS. ChâuVăn Minh giới thiệu với Thủ tướng về thiết bị giám sát tàu cá do Trung tâm Phát triển công nghệ cao nghiên cứu và sản xuất toàn bộ
Các mô hình vệ tinh quan sát trái đất của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam .
Trực thăng có thể cất cánh lên thẳng trong điều kiện không gian hẹp mà không cần đà phóng
Thủ tướng nghe TS. Nguyễn Trọng Tĩnh, Viện trưởng Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học giới thiệu công nghệ sản xuất trực thăng Dragonfly26 mà đơn vị đã tiếp nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ.
Cánh tay robot công nghiệp, 6 bậc tự do sử dụng trong dạy học online, offline, ứng dụng công nghiệp: cấp phôi, làm sạch, đánh bóng, gắp thả di chuyển vật và nhiều ứng dụng khác
Đại diện Lãnh đạo Viện Hàn lâm chụp ảnh kỷ niệm cùng các vị khách quý đến tham quan gian triển lãm của Viện Hàn lâm KHCNVN.