Tham dự sự kiện này, về phía Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có GS.VS.Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS.Nguyễn Quang Liêm, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Viện Hàn lâm cùng 9 đơn vị trực thuộc với nhiều công nghệ mới, trình độ cao và hiện đại được giới thiệu tại triển lãm. Viện Hàn lâm được Ban tổ chức chọn là đơn vị ở vị trí đầu tiên trong không gian trưng bày của triển lãm và cũng là đơn vị đầu tiên được Thủ tướng và đoàn Lãnh đạo cấp cao đến thăm quan các gian trưng bày.
Viện Hàn lâm KHCNVN báo cáo Thủ tướng Chính phủ các công nghệ của Viện Hàn lâm tại triển lãm
Tại triển lãm, Viện Hàn lâm đã giới thiệu những công nghệ thuộc 4 khối gồm: Công nghệ vũ trụ, không gian và công nghệ Vệ tinh; Công nghệ vật liệu mới, vật liệu Nano, công nghệ năng lượng mới, năng lượng H2; Công nghệ thông tin và phần mềm; Công nghệ hóa học xanh và hệ thống điều khiển thông minh.
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam giới thiệu 03 mô hình vệ tinh đã và đang được triển khai chế tạo gồm: PicoDragon (đã chế tạo), MicroDragon, NanoDragon. Đây là các vệ tinh Viễn thám và Radar được chế tạo để quan sát trái đất. Dự kiến các vệ tinh đang triển khai sẽ được phóng vào cuối năm 2018.
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm KHCNVN giới thiệu về công nghệ vệ tinh
Viện Kỹ thuật nhiệt đới giới thiệu tại triển lãm các công nghệ phun phủ kim loại như: công nghệ phun phủ Nikel-Crom ứng dụng trong các chi tiết bơm hóa chất, phục hồi trục của các turbin thủy điện; Công nghệ phun phủ Kẽm (Zn) ứng dụng trong bảo vệ chống ăn mòn, chống hà bám trong môi trường nước biển; Công nghệ phun phủ Đồng (Cu) ứng dụng trong công nghiệp phụ trợ ngành chế tạo ô tô...
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội – USTH giới thiệu công nghệ vật liệu tiên tiến chế tạo màng tạo nhiên nhiệu H2(nhiên liệu mới, sạch, hiệu suất cao) từ năng lượng mặt trời. Đây là công trình đã được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018.
Nhóm tác giả và công nghệ điện phân nước thu H2 của Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - USTH, Viện Hàn lâm KHCNVN
Trong khối công nghệ thông tin, Viện Công nghệ thông tin đã giới thiệu phần mềm giải đoán hình ảnh Camera bao gồm các chức năng thực hiện các thuật toán: phân tích, giải đoán, nhận dạng hình ảnh, phân tích chuyển động để chiết suất số liệu thống kê về lưu lượng người di chuyển qua khuôn hình và quan sát hoạt động. Qua các thiết bị và phần mềm lắp tại triển lãm, tính từ 7:30 đến 15:40 ngày 13/7/2018, báo cáo cho thấy có 5643 lượt người đi từ ngoài vào trong, 5898 lượt người đi từ trong ra ngoài (từ vùng A qua vùng B và từ vùng B qua vùng A, tương ứng số người đi từ cổng triển lãm vào trong và đi từ trong khu triển lãm ra ngoài).
Các phần mềm khác được giới thiệu tại triển lãm gồm: Phần mềm đánh giá đất đai của Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam và phần mềm E-learning của Học viện Khoa học và Công nghệ.
ThS. Trịnh Hiền Anh, Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm KHCNVN giới thiệu về phần mềm giải đoán hình ảnh Camera
Ảnh chụp màn hình phần mềm đếm số người lúc 15:40 ngày 13/7/2018
Cùng trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn tại chuyên đề 1 - Những xu hướng lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, GS.TS. Nguyễn Quang Liêm - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Viện Hàn lâm với vai trò là diễn giả của Diễn đàn đã có bài báo cáo với tiêu đề: "Quan điểm, mục tiêu và định hướng chính sách phát triển các ngành khoa học công nghệ phù hợp với CMCN 4.0 giai đoạn đến 2030". Bài báo cáo đã được nhiều báo trích dẫn đưa tin.
GS.TS. Nguyễn Quang Liêm báo cáo tại Hội thảo Chuyên đề 1
Liên quan đến nội dung về việc chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 125-QĐ/TW ngày 12/2/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, thực hiện Quyết định này Viện Hàn lâm đã cử đồng chí Phó bí thư thường trực Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tham gia Ban chỉ đạo Trung ương xây dựng đề án; ra Quyết định thành lập Tổ công tác của Viện Hàn lâm KHCNVN về xây dựng báo cáo của Viện Hàn lâm. Tổ công tác đã xây dựng 03 báo cáo gồm: Báo cáo số 1 “Báo cáo kết quả thực hiện chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; Báo cáo số 2: “Đánh giá tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến các lĩnh vực khoa học và công nghệ tại Việt Nam” và Báo cáo số 3 “Quan điểm, mục tiêu và định hướng chính sách phát triển các ngành khoa học công nghệ ưu tiên phù hợp với CMCN 4.0 giai đoạn đến năm 2030”.
|