Chiều 27/12/2017, tại Hà Nội, câu lạc bộ Nhà báo Khoa học Công nghệ Việt Nam đã công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện KHCN nổi bật năm 2017.
Đây là lần thứ 12 liên tiếp sự kiện bình chọn được tổ chức. 10 sự kiện KHCN nổi bật năm 2017 là kết quả bình chọn của 40 nhà báo chuyên viết về lĩnh vực KHCN của gần 20 cơ quan truyền thông đại chúng của trung ương và địa phương.
10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2017 thuộc các lĩnh vực cơ chế chính sách, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu ứng dụng, tôn vinh nhà khoa học, danh sách 10 sự kiện gồm:
1. Quốc hội thông qua Luật chuyển giao công nghệ
Ngày 19/6/2017 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật chuyển giao công nghệ sửa đổi. Luật gồm 6 chương, 60 điều quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ.
2. Lần đầu tiên Chính phủ ban hành chỉ thị 16/TT-CP về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4
Chỉ thị nêu rõ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc điểm là tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan toả của số hoá và công nghệ thông tin. Làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, nhưng đang tạo ra tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.
3. TS. Hà Phương Thư nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2017
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2017 cho Tiến sĩ Hà Phương Thư - Trưởng phòng Vật liệu nano y sinh, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vì đã có những đóng góp trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tiến sĩ Hà Phương Thư, một trong số ít nhà khoa học trẻ tiêu biểu của Việt Nam có 30 công bố quốc tế về lĩnh vực nano y sinh và làm chủ nhiệm nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp Viện Hàn lâm và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia...
4. GS.TS. Nguyễn Quang Liêm nhận Giải thưởng Công huân khoa học ASEAN (AMSA)
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, 22 năm Việt Nam gia nhập khối ASEAN, Ngày 20-10-2017, tại Myanma, Ban tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN chính thức lần thứ 17 (AMMST-17) đã trao tặng GS.TS. Nguyễn Quang Liêm, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giải thưởng Công huân khoa học ASEAN (AMSA). GS.TS. Nguyễn Quang Liêm đã công bố hơn 150 bài báo trên nhiều tạp chí khoa học uy tín quốc tế và trong nước, là đồng tác giả Giải thưởng Nhà nước về KH và CN năm 2005 cho cụm công trình “Nghiên cứu cơ bản tính chất quang - điện - từ của một số vật liệu điện tử tiên tiến”.
5. Dự án “Trưng bày di tích dưới tầng hầm nhà Quốc hội”
Ðể tòa Nhà Quốc hội trở thành điểm nhấn phản ánh sức sống trường tồn của trung tâm quyền lực trong dòng chảy lịch sử dân tộc, Ðảng và Nhà nước đã quyết định dành một phần không gian dưới hai tầng hầm Nhà Quốc hội làm nơi tái hiện trưng bày những khám phá quan trọng của khảo cổ học dưới lòng đất của khu Di sản Văn hóa thế giới - Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Khu trưng bày nằm ở phía Đông của Tòa nhà Quốc hội, nằm sâu so với mặt đất từ 7m-13m, có tổng diện tích mặt bằng khoảng 3.700m2.
6. Đài Thiên văn Nha Trang đưa vào hoạt động
Khởi công xây dựng từ năm 2014, Đài thiên văn Nha Trang được đặt tại Hòn Chồng (Nha Trang, Khánh Hòa) là một trong hai đài thiên văn được đầu tư xây dựng trong khuôn khổ dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Cuối tháng 9/2017, Đài Thiên văn Nha Trang chính thức được đưa vào khai thác, phục vụ đón khách du lịch và nghiên cứu khoa học
Đài thiên văn Nha Trang bao gồm một kính thiên văn quang học có đường kính 0,5m, một nhà chiếu hình vũ trụ 60 chỗ ngồi và một phòng trưng bày vũ trụ diện tích 200m2.
Một số nghiên cứu dự kiến có thể được thực hiện trên hệ kính này là: Quan sát những sao biến quang, từ đó thực hiện nghiên cứu khí quyển (bề dày, mây, mù); đo phổ vạch của các sao để thu thông tin về loại sao, tốc độ quay và độ lớn từ trường trên bề mặt sao; đo vận tốc xuyên tâm của sao chủ để tìm kiếm ngoại hành tinh; đo tốc độ quay của một số hành tinh; nghiên cứu hình thái của các thiên hà; tìm kiếm thiên thể gần Trái đất, siêu tân tinh hay phát xạ quang đi kèm với những bùng phát vô tuyến nhanh…
7. Viettel triển khai mạng 4G lớn nhất, hiện đại nhất thế giới
Mạng 4G Viettel sử dụng công nghệ 4 thu, 4 phát. trong khí đo, tại Mỹ công nghệ cũ là 2 thu, 2 phát. Theo Ericsson đây là mạng lớn nhất trên thế giới, được đầu tư nhanh nhất trên thế giới. Như vậy, mặc dù Việt Nam đứng thứ 160 về kinh tế trên thế giới nhưng lại là nước đầu tư một mạng lưới viễn thông lớn nhất thế giới.
8. 20 năm Việt Nam chính thức kết nối mạng Internet
Sau 20 năm phát triển từ ngày chính thức kết nối mạng toàn cầu 19/11/1997, Internet Việt Nam đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội hiện nay và tương lai với cuộc cách mạng 4.0. Tính đến năm 2017, Việt Nam đã có 64 triệu người dùng Internet, chiếm 67% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á.
9. Khu công nghệ cao Hòa Lạc khởi công nhà máy sản xuất động cơ máy bay
Ngày 21/9, Công ty Hanwha Techwin (Hàn Quốc) tổ chức lễ khởi công nhà máy Hanwha Aero Engines tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Đây là dự án đầu tư đầu tiên tại Việt Nam liên quan đến ngành công nghiệp động cơ hàng không.
10. Traphaco đưa nhà máy công nghệ 4.0 đầu tiên tại Việt Nam vào sản xuất dược
Tháng 7/2017, Công ty cổ phần Traphaco đã khánh thành công ty TNHH Traphaco Hưng Yên đưa nhà máy sản xuất dược phẩm hiện đại nhất Việt Nam đi vào sử dụng. Nhà máy gồm 3 phân xưởng, 5 dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu cao nhất của ngành dược với các công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Đại diện của 10 sự kiện nhận hoa và kỷ niệm chương của Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học Công nghệ Việt Nam trao tặng
Trong 10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật năm 2017, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vinh dự góp mặt ở 3 hạng mục: Tôn vinh nhà khoa học (TS. Hà Phương Thư được vinh danh trong Top 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất VN); Hợp tác quốc tế (GS.TSKH. Nguyễn Quang Liêm nhận công huân ASEAN – Giải thưởng nhân dịp khối ASEAN tròn 50 tuổi- ghi nhận những đóng góp thầm lặng của ông trong quá trình phụng sự khoa học với đồng nghiệp khắp năm châu) và lĩnh vực khoa học tự nhiên (Đài Thiên văn Nha Trang chính thức đi vào hoạt động).
Điều đặc biệt nữa là có 2 nhà khoa học được tôn vinh trong tổng số 10 sự kiện KHCN nổi bật đều đến từ Viện Hàn lâm KHCNVN.
Từ trái qua phải: GS.TS. Nguyễn Quang Liêm; TS. Hà Phương Thư; TS. Hà Quý Quỳnh - Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ; TS. Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.