Sáng ngày 04/4/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã có chuyến thăm và làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) tại hội trường Viện Công nghệ thông tin.
Cùng tham dự đoàn công tác có lãnh đạo các bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam,…
Về phía Viện Hàn lâm có: GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch; các Phó Chủ tịch: GS.VS. Lê Trường Giang, GS.TS Chu Hoàng Hà, GS.TS Trần Tuấn Anh; TS. Phạm Tuấn Huy, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Viện Hàn lâm cùng lãnh đạo các đoàn thể, các ban giúp việc Chủ tịch Viện và Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.
Tại buổi làm việc, GS.VS. Châu Văn Minh đã báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cùng các đại biểu một số kết quả nổi bật của Viện trong thời gian qua.
Viện Hàn lâm là cơ quan trực thuộc Chính phủ với chức năng, nhiệm vụ chính là nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ; cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao.
Viện được chính thức thành lập vào ngày 20/5/1975, ngay sau khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, trên cơ sở một số đơn vị nghiên cứu được thành lập trong chiến tranh. Sau 50 năm hình thành và phát triển, đến nay Viện Hàn lâm đã có lực lượng cán bộ nghiên cứu với khoảng 3.500 cán bộ, trong đó có gần 250 giáo sư, phó giáo sư và gần 1.000 tiến sĩ và đã đạt được nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có giá trị, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh của đất nước. Nhiều công trình khoa học đã được áp dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả cao và đạt được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế được áp dụng rộng rãi như:
- Hệ thống kênh thoát lũ biển Tây trong thập niên 90 đã giúp nâng sản lượng lúa lên nhiều lần, đưa vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vựa lúa của cả nước;
- Bộ công trình Atlas Quốc gia Việt Nam và Bộ Sách đỏ, Động vật chí, Thực vật chí Việt Nam được giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ;
- Hồ sơ dữ liệu về Xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam góp phần quan trọng vào việc xác định chủ quyền biển đảo Việt Nam;
- Cơ sở khoa học về sự cố môi trường do Formosa gây ra tại vùng biển Hà Tĩnh;
Tiếp nối truyền thống, trong giai đoạn 2020 - 2025, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của các bộ ngành liên quan, đặc biệt là sự tạo điều kiện và ủng hộ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của các bộ ngành liên quan, đặc biệt là sự tạo điều kiện và ủng hộ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ sở vật chất và trang thiết bị nghiên cứu của một số đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện đã có bước tiến đáng kể, từng bước đáp ứng sự phát triển của các ngành khoa học chuyên sâu và hội nhập quốc tế và hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đặc biệt là với 10 Phòng thí nghiệm trọng điểm được đầu tư, đã tạo một động lực cho phát triển các ngành khoa học mới, giúp các nhà khoa học của Viện triển khai các vấn đề nghiên cứu cơ bản cốt lõi, có chất lượng cao, đồng thời chủ động trong các hoạt động phối hợp nghiên cứu quốc tế.
Trong hơn một năm qua, Trung ương đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng đối với việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước đó là Nghị quyết 45 của Ban Chấp hành Trung ương ngày 24/12/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới và Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, Nghị quyết 57 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính đột phá, đặt ra những yêu cầu rất quyết liệt trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về thể chế, khơi thông nguồn lực quốc gia cho khoa học công nghệ, cũng như đưa giải pháp mạnh mẽ nhằm giải phóng sức sáng tạo của các nhà khoa học tại Việt Nam nói chung và tại Viện Hàn lâm nói riêng. Đồng thời tăng cường đầu tư cho KHCN đến năm 2030 nâng tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia lến 3% và tăng dần theo yêu cầu phát triển, trong đó ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp khoa học phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược.
Thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW của Trung ương, Viện Hàn lâm đã hoàn thành sắp xếp, hợp nhất và kiện toàn tổ chức bộ máy của các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm, đảm bảo tính hiệu quả về hoạt động, đầy đủ về chuyên môn, chuyên ngành khoa học.
Theo tinh thần của Nghị quyết 57, Viện Hàn lâm đã thành lập Ban chỉ đạo của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và cải cách hành chính. Viện Hàn lâm cũng đã tập trung trí tuệ xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57. Về nhiệm vụ tập trung trước mắt, Viện Hàn lâm cũng tập trung xây dựng các chương trình nghiên cứu phát triển các công nghệ chiến lược, công nghệ nền tảng; đổi mới cách thức hoạt động của các Hội đồng ngành các hướng khoa học ưu tiên; kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu,... Bên cạnh đó, hiện nay Viện cũng được giao chuẩn bị một số đề án quan trọng do Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ giao trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, đề án về công nghệ cao, phòng chống thiên tai. Điều này thể hiện sự ghi nhận và tin tưởng của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đối với Viện Hàn lâm.
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, GS.VS. Lê Trường Giang đã nêu một số đề xuất, kiến nghị với Phó Thủ tướng nhằm giải quyết khó khăn, thu hút nguồn nhân lực, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của Viện Hàn lâm như:
- Xem xét việc tạm dừng, không thực hiện việc tinh giảm 20% biên chế tại Viện Hàn lâm giai đoạn 2025 – 2030. Cho phép Viện Hàn lâm được chủ động điều chỉnh, xóa bỏ, thành lập mới các tổ chức bên trong cho phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và xu hướng phát triển khoa học công nghệ (KHCN) trên thế giới.
- Tập trung đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu cho Viện Hàn lâm, đặc biệt là trong nghiên cứu cơ bản.
- Đầu tư cho Viện Hàn lâm một số Phòng thí nghiệm trọng điểm để nghiên cứu, phát triển một số công nghệ then chốt, công nghệ chiến lược trong các lĩnh vực công nghệ vũ trụ, công nghệ lượng tử, công nghệ vật liệu, công nghệ tế bào gốc, công nghệ chỉnh sửa gen, công nghệ vắc-xin, công nghệ AI, công nghệ IoT, công nghệ môi trường và năng lượng tái tạo, công nghệ cảnh báo thiên tai,…
- Đầu tư cho Viện Hàn lâm 01 tàu nghiên cứu biển để chủ động triển khai thực hiện các công tác khảo sát, nghiên cứu biển.
- Đầu tư, xây dựng 01 trung tâm đổi mới sáng tạo tại Viện Hàn lâm, thúc đẩy công tác chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu.
- Thí điểm giao Viện Hàn lâm quản lý, triển khai một số Chương trình KHCN Quốc gia như Chương trình KHCN Vũ trụ, Chương trình KHCN Biển.
Cũng tại buổi làm việc, Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm đã cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành đã cùng thảo luận, trao đổi ý kiến về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính, thủ tục thanh quyết toán các đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ và các chính sách nhằm phát triển Viện Hàn lâm nói riêng và nền khoa học công nghệ Việt Nam nói chung.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự đổi mới trong cách thức làm việc của Viện Hàn lâm, đặc biệt là các ý kiến trao đổi ngắn gọn, đi thẳng vào nhiệm vụ trọng tâm, vấn đề cốt lõi mang tính chiến lược,… Phó Thủ tưởng lưu ý một số thách thức lớn cần được Viện Hàn lâm giải quyết trong thời gian tới: Khả năng tự chủ về tài chính và nghiên cứu khoa học; Cơ sở vật chất; Quy mô và nguồn nhân lực; Các hoạt động hợp tác quốc tế; Số lượng bài báo quốc tế; Hiệu quả đào tạo nhân lực chất lượng cao...
Trên cơ sở chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và các nhiệm vụ triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được xác định trở thành trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi tập thể lãnh đạo và cán bộ Viện Hàn lâm phải nỗ lực cao, quyết tâm lớn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng và nhiệm vụ trọng tâm mà Viện Hàn lâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:
- Về tổ chức bộ máy: Cần tiếp tục nghiên cứu, coi đây là cơ hội để tái cấu trúc lại bộ máy, lựa chọn và phát huy năng lực của những cá nhân, tập thể xuất sắc. Đặc biệt, phải lựa chọn được những cá nhân, trưởng nhóm nghiên cứu có định hướng, dẫn dắt các nghiên cứu khoa học có giá trị thời đại, phù hợp với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới.
- Tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong nghiên cứu khoa học và công nghệ; trở thành một trong các cơ quan tư vấn hàng đầu của Nhà nước trong hoạch định chính sách, chiến lược phát triển khoa học công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 193 của Quốc hội và Nghị quyết 03 của Chính phủ; Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 nhất là trong các lĩnh vực như công nghệ vũ trụ, khoa học biển, công nghệ sinh học và vật liệu mới. Đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, phát triển công nghệ lõi và công nghệ nguồn để tạo nền tảng tri thức, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn và thị trường như y tế, năng lượng, môi trường và công nghệ cao.
- Nâng cao năng lực nghiên cứu thông qua việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phải có mục tiêu cụ thể trong việc thu hút nhà khoa học trẻ tài năng, nhà khoa học trình độ quốc tế; Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh đạt chuẩn khu vực và quốc tế.
- Thúc đẩy chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu: Xây dựng các quy chế gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp và thị trường, khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng dụng thực tiễn. Nghiên cứu Phát triển các khu thử nghiệm công nghệ, các trung tâm chuyển giao công nghệ chuyên nghiệp, xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng và thương mại hóa sản phẩm khoa học của Viện Hàn lâm, phấn đấu có ít nhất 10 sản phẩm từ nghiên cứu ra thị trường mỗi năm trong 5 năm tới.
- Nâng cấp cơ sở vật chất, đa dạng hóa nguồn lực tài chính, tăng tính tự chủ: Thu hút đầu tư, đẩy mạnh hợp tác công - tư, hiện đại hóa phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế, biến phòng thí nghiệm thành “vườn ươm” công nghệ. Nghiên cứu cơ chế tự chủ tài chính, tự chủ nghiên cứu và quản lý tương tự các viện trên thế giới.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng tầm ảnh hưởng khoa học: Mở rộng quan hệ với các tổ chức như Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu (CERN), NASA, hay Cơ quan vũ trụ Châu Âu (ESA) trong các dự án nghiên cứu lớn.
- Tăng cường trao đổi học thuật và cử nhà khoa học trẻ ra nước ngoài học tập, nghiên cứu. Tăng tỷ lệ chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ.
Về các khó khăn vướng mắc của Viện, Phó Thủ tướng đã đưa ra một số gợi ý:
- Về cơ chế, chính sách chung: Viện Hàn lâm cần phối hợp với các Bộ, đặc biệt là Bộ KHCN, Bộ Tài chính trong quá trình sửa đổi Luật KHCN và ĐMST, Luật NSNN; Luật Quản lý Tài sản công ....
- Đối với các cơ chế đặc thù: Viện Hàn lâm chủ trì, phối hợp với Bộ KHCN, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất thí điểm như: Các cơ chế tự chủ tài chính và tổ chức phù hợp với đặc thù của Viện; Cơ chế đãi ngộ đặc thù cho các nhà khoa học đầu ngành và nhà khoa học nước ngoài làm việc tại Viện; Các khu thử nghiệm và triển khai công nghệ với các cơ chế hoạt động ưu đãi để thu hút doanh nghiệp.
- Về đầu tư: Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước đối với: Các lĩnh vực ưu tiên, đột phá, phù hợp với từng giai đoạn phát triển như Công nghệ Vũ trụ, Khoa học vật liệu, Công nghệ sinh học, Khoa học Biển,...; Dự án đầu tư phát triển Trung tâm quốc tế về đa dạng sinh học đặt tại Viện Hàn lâm dưới sự bảo trợ của UNESCO và các dự án đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế.
Trên cơ sở các kết quả Viện Hàn lâm đã đạt được trong 50 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ khoa học và sự quan tâm đặc biệt từ Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng đề nghị Viện Hàn lâm tiếp tục phát huy tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám thử, dám tiên phong”, trong nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ chiến lược, vượt qua mọi rào cản để tạo nên những bước đột phá, đưa Việt Nam tiến bước vững chắc trên con đường trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, giàu mạnh, hùng cường vào năm 2045. Phó Thủ tưởng khẳng định Chính phủ sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hoàn thành sứ mệnh của mình.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc.
.jpg)