Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về đổi mới sáng tạo dựa trên AI nguồn mở - Meta Global Open-Source Innovation Summit - được tổ chức trong các ngày 2-4 tháng 12 năm 2024 tại trụ sở của tập đoàn, Menlo Park (MPK) - California, Hoa Kỳ. Đại diện của Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin PGS. TS. Nguyễn Trường Thắng là một trong số rất ít các báo cáo viên được trình bày tại hội nghị danh giá này.
Toàn cảnh hội nghị
Tham gia vào xu hướng chủ đạo của làn sóng AI trên thế giới, sản phẩm mô hình ngôn ngữ nền tảng GPTViet 70B cho tiếng Việt (dựa trên LLaMA 3.1, Mistral AI) đang trong giai đoạn nghiên cứu của Viện Công nghệ thông tin và các đơn vị phối hợp đã được mời tham gia trình diễn và giới thiệu tại hội nghị quan trọng về mô hình AI nguồn mở LLaMA (Large Language Model Meta AI) của tập đoàn Meta Platforms. GPTViet là mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model - LLM) mang tính nền tảng, tuân theo nguyên tắc nguồn mở cho cộng đồng AI tại Việt Nam.
Toàn bộ việc huấn luyện, tinh chỉnh cho tiếng Việt được thực hiện trên hạ tầng siêu tính toán (AI Cluster) hàng đầu Việt Nam, với các siêu chip Nvidia GPU A100 80GBy. Tuy nhiên, nền tảng này định hướng cho hệ sinh thái đa diện, đa phương thức tích hợp với LLM (multimodal – âm thanh, hình ảnh, video, văn bản. Trên nền tảng này, có thể phát triển trên đó nhiều ứng dụng AI chuyên biệt như: trợ lý ảo thông minh (Assistant); các ứng dụng AI trong lĩnh vực chuyên biệt sau này như giáo dục, y tế - sức khỏe, dịch ngôn ngữ… tại Việt Nam
Viện trưởng Viện CNTT – PGS. TS. Nguyễn Trường Thắng trình bày sản phẩm GPTViet tại Hội nghị
Meta Global Open-Source Innovation Summit gửi thư mời chính thức và tài trợ toàn bộ chi phí tham dự cho khoảng 50 nhóm (công ty startup, viện trường đại học, các tổ chức ứng dụng AI) từ 20 quốc gia trên toàn cầu. Trong số này, một phần lớn đến từ các công ty startup công nghệ từ Hoa Kỳ và các quốc gia phát triển (Anh, Bắc Âu…). Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Asia-Pacific and Japan - APJ), chỉ có 5 nhóm được mời (đến từ Nhật Bản, Singapore và Việt Nam). Đại diện Việt Nam là một trong hai đơn vị khu vực APJ có bài phát biểu giới thiệu.
Chủ đề của hội nghị tập trung vào thảo luận, trao đổi ý tưởng, kinh nghiệm thành công, thiết lập mạng lưới hợp tác trên thế giới với định hướng tập trung vào tiềm năng, vai trò của AI nguồn mở đối với sự phát triển thế giới như tác động xã hội, lợi ích kinh tế, hợp tác và chia sẻ công nghệ... Ban tổ chức và sự tham gia của khoảng 60-70 nhân sự chủ chốt các bộ phận chính tại trụ sở Meta (chính sách, quan hệ đối ngoại, R&D, WhatsApp Messaging Business, Wearables Business...) phối hợp thể hiện sự chuyên nghiệp và mối quan tâm của tập đoàn đối với sự kiện này.
Viện trưởng Viện CNTT – PGS.TS. Nguyễn Trường Thắng tại trụ sở của tập đoàn Meta
Sau sự kiện này, hướng đi của mô hình ngôn ngữ GPTViet sẽ rõ ràng hơn, theo chiến lược và cam kết dài hạn của Meta đối với LLaMA trên thế giới và tại Việt Nam. Tiềm năng GPTViet và phiên bản hỗ trợ đa phương thức dựa trên hạ tầng siêu tính toán AI tại Viện CNTT là giải pháp tổng thể cho các đơn vị phát triển AI và các doanh nghiệp tiềm năng tại Việt Nam./.