Sáng ngày 24/7, Ban Chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh Thái Bình tổ chức cuộc họp về Đề án xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) tỉnh Thái Bình giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030 do Sở Thông tin – Truyền thông là cơ quan thường trực và Viện Công nghệ thông tin (Viện CNTT) là đơn vị tư vấn lập đề án.
Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp còn có lãnh đạo các sở ban ngành tỉnh Thái Bình. TS. Nguyễn Trường Thắng (Viện trưởng Viện CNTT - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) dự buổi họp với vai trò đơn vị tư vấn xây dựng đề án.
Đơn vị tư vấn (Viện CNTT) báo cáo Đề án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Thái Bình giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Báo cáo tại cuộc họp, Viện CNTT trình bày các điểm chính trong báo cáo và tiếp nhận những ý kiến từ lãnh đạo tỉnh và các sở ngành. Cụ thể, Đề án nêu lên xu thế phát triển ĐTTM trên thế giới và tại Việt Nam, các văn bản pháp qui liên quan của Trung ương và địa phương tỉnh Thái Bình, sự cần thiết xây dựng ĐTTM thông qua các dịch vụ với định hướng lấy người dân làm trung tâm, mô hình kiến trúc và lộ trình các giai đoạn triển khai dự án thành phần của Đề án gắn với cấp độ ưu tiên trong từng lĩnh vực dựa trên tính cấp thiết và thế mạnh của tỉnh (giai đoạn 2020 – 2022, 2022 – 2025 và lộ trình đến 2030).
Thái Bình đang triển khai xây dựng CQĐT và đã đạt được những kết quả nhất định. Xây dựng ĐTTM là bước tiếp theo, kế thừa các kết quả của CQĐT. Đây là xu thế chuyển đổi số chung trên thế giới và tại Việt Nam, chuyển dịch từ các dịch vụ hành chính công trực tuyến phục vụ người dân/doanh nghiệp trong CQĐT sang các dịch vụ công ích thiết yếu dựa trên phương thức quản trị thông minh phục vụ đời sống của cư dân đô thị trong các hoạt động KT-XH.
TS. Nguyễn Trường Thắng phát biểu tại cuộc họp
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của đại diện các sở, ngành, đồng chí Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - nhấn mạnh sự cần thiết và tầm quan trọng của xây dựng ĐTTM với sự nghiệp xây dựng, phát triển bền vững, lâu dài của tỉnh. Đồng thời ông đề nghị đơn vị tư vấn căn cứ vào các nội dung đã thông qua sớm phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để hoàn thiện đề án trước khi trình Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để được phê duyệt đưa vào triển khai trong giai đoạn tới.