Thời gian vừa qua, mặc dù trải qua đợt dịch Covid-19 với nhiều tác động mạnh tới nền kinh tế và nhiều nhóm ngành nghề, nhưng Việt Nam vẫn có được một số lợi thế nhất định.
Đáng chú ý là sự tăng trưởng về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến và sự xuất hiện của các ứng dụng thuộc nhóm lĩnh vực làm việc từ xa như học tập trực tuyến, chăm sóc y tế từ xa...
Tại Hội nghị Giao ban công tác QLNN 4 tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: "Chúng ta đã kiểm soát được dịch sớm trong khi thế giới vẫn đang ở đỉnh dịch. Đây là cơ hội để nước ta bứt phá vươn lên thông qua chuyển đổi số".
Thực tế cho thấy trong bối cảnh diễn ra đại dịch, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có thể phát triển các ứng dụng CNTT để phòng, chống và đưa cuộc sống chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Điều này được các lãnh đạo đánh giá là "cú hích" trăm năm cho công tác chuyển đổi số. Điều quan trọng giờ đây là người Việt Nam cần phải làm chủ chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực.
Những con số ấn tượng
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT cho biết đã huy động 16 doanh nghiệp CNTT Việt Nam, với tổng cộng 1.000 kỹ sư chuyên môn để tạo ra 22 sản phẩm phần mềm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, có những sản phẩm phần mềm được tạo ra với thời gian ngắn kỷ lục, tính bằng giờ.
Nhiều phần mềm Việt Nam đã theo kịp thế giới trong công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, đối với việc truy vết những người tiếp xúc với người nhiễm bệnh và giám sát cách ly, Việt Nam đã có những công cụ hiệu quả nhất, từ việc ứng dụng GPS và hạ tầng viễn thông để giám sát cách lý, sử dụng Bluetooth để truy vết tiếp xúc gần,....
Thực tế cho thấy, có 6 lĩnh vực được dự báo sẽ thay đổi lớn do sự tác động của Covid-19. Đó là cách mọi người làm việc từ xa, học tập trực tuyến, chăm sóc y tế từ xa, chăm sóc y tế xe tự lái, thương mại điện tử và các sự kiện ảo.
Tại Việt Nam, những thay đổi có thể dễ dàng nhận thấy là tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã tăng từ 26% lên 32%, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng từ 11% lên 14%.
So với cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ tăng gấp đôi, từ 12% lên 24%. Điều này cũng có nghĩa là hai tháng vừa qua đã mang lại kết quả bằng tất cả thời gian trước đấy cộng lại.
Trong hai tháng diễn ra dịch bệnh, số bộ, ngành kết nối vào nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia tăng gấp đôi. Số đơn vị phát triển nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh cũng tăng từ gần 27% lên 44%. Mục tiêu của Bộ TT&TT là 100% các bộ, tỉnh có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh.
Tất cả hướng tới chuyển đổi số quốc gia
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá đại dịch Covid-19 là cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia, nên tất cả các lĩnh vực của ngành TT&TT phải bứt phá vươn lên, vì đây là ngành dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia. Thực tế cho thấy lĩnh vực công nghệ và truyền thông qua đại dịch Covid-19 đã có nhiều đóng góp để Việt Nam kiểm soát dịch.
Tới nay, Việt Nam đã ra mắt nhiều phần mềm góp phần vào công tác phòng/chống dịch Covid-19, như phần mềm khai báo y tế tại cửa khẩu, phần mềm khai báo y tế tự nguyện NCOVI, phần mềm phát hiện tiếp xúc gần Bluezone, phần mềm dự báo dịch bệnh, hệ thống báo cáo phục vụ ban chỉ đạo... Tất cả các sản phẩm này đều do Việt Nam tự phát triển hoặc được chia sẻ quốc tế, lấy ý kiến cộng đồng mã nguồn mở.
Trong lĩnh vực truyền thông, các nhà mạng đã thực hiện tổng cộng 15 tỷ tin nhắn với 20 nội dung khác nhau nhằm tuyên truyền về dịch bệnh Covid-19. Khảo sát xã hội cho thấy, tỷ lệ tiếp cận của người dân với các tin nhắn này là 78%, ngang ngửa so với TV (80%).
Theo số liệu thống kê của Cục Viễn thông, chỉ trong tháng 4/2020, đã có thêm 200.000 thuê bao băng rộng cố định so với tháng 3. Lưu lượng data cố định tại Việt Nam đạt 350Gb, cao hơn 3,5 lần so với mức trung bình thế giới. Việc tăng các thuê bao băng rộng cố định giúp người dân có thể làm việc từ xa, thích nghi với một cuộc sống bình thường mới.
Hưởng ứng lời kêu gọi từ Bộ TT&TT, đợt vận động nhắn tin ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 qua đầu số 1407 cũng thu được kết quả tích cực, với hơn 2,5 triệu tin nhắn. Tổng số tiền thu được từ đợt vận động là hơn 150 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đã phát động việc sử dụng nền tảng dạy và học trực tuyến, khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn sớm khám chữa bệnh từ xa, ra mắt nền tảng mã địa chỉ bưu chính Việt Nam.
Thời gian tới, khi nền kinh tế tái khởi động, toàn dân ra sức phục hồi kinh tế, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục cho ra mắt nhiều nền tảng khác để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, đồng thời cũng sẽ có những đóng góp lớn để công cuộc này thành công, đạt mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra.