Cải thiện tốc độ Internet di động nhưng doanh thu từ dữ liệu còn thấp
Theo báo cáo tổng kết của Bộ TT&TT năm 2019, tốc độ băng rộng di động tải xuống thống kê đến quý 4/2019 đạt mức 29,09 Mbps, tiệm cận với tốc độ trung bình của thế giới (30,93 Mbps). Dù thấp hơn mức trung bình của thế giới, nhưng so với cùng kỳ, tốc độ Internet di động của Việt Nam cũng đã có sự cải thiện đáng kể so với mức 21.56 Mbps của năm 2018.
Số thuê bao di động di động chỉ đạt 62, 59%, đứng thứ 90 thế giới, thứ 9 trong khu vực, thấp hơn mức trung bình thế giới là 83%.
Báo cáo mới đây của We Are Social cũng cho thấy, tính đến tháng 1/2020, Việt Nam đang có khoảng 145,8 triệu người sử dụng di động, chiếm khoảng 150% dân số, trong đó 53% số người sử dụng đang dùng mạng 3G, 4G. Tốc độ Internet di động trung bình của Việt Nam khoảng 30.39 Mbps, tăng 41% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, dù tốc độ Internet di động đã có sự cải thiện, nhưng doanh thu từ các dịch vụ dữ liệu vẫn còn thấp. Báo cáo tổng kết của Bộ TT&TT cũng khẳng định, đối với các nhà mạng, hiện doanh thu di động vẫn chủ yếu dựa vào các loại hình dịch vụ truyền thống, đặc biệt là thoại, SMS (chiếm 76,6%), trong khi những dịch vụ này đều đã ở trạng thái bão hoà (ARPU thấp). Doanh thu dữ liệu di động chỉ đạt 23,4% tổng doanh thu, trong khi mức trung bình của thế giới đạt trên 43%.
Đấu giá băng tần mạng 4G, 5G sẽ thu về gần 8.000 tỷ đồng cho ngân sách
Tại buổi Giao ban Quản lý Nhà nước tháng 2/2020 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mới đây Thường trực Chính phủ đã nói về việc tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể không đạt mục tiêu do ảnh hưởng của dịch cúm gây ra bởi virus Covid-19. Cũng tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng, điều đó đồng nghĩa với việc phải có những giải pháp vô cùng mạnh mẽ.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, đây cũng là dịp để thúc đẩy các quyết sách, chủ trương mà Việt Nam vẫn còn đang lưỡng lự, để từ đó tạo ra đà tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh việc thử nghiệm dịch vụ Mobile Money, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc đấu thầu tần số cũng sẽ đem lại nguồn thu ngân sách lớn. Thông tin từ Bộ TT&TT cho thấy, việc sớm đấu giá tần số 4G và 5G trong quí 1/2020 sẽ thu về 6.000-8.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Đồng thời, việc nhà mạng đầu tư cho hạ tầng sẽ kích thích kinh tế phát triển thông qua việc tạo ra được nhiều dịch vụ mới cho khách hàng, để gia tăng sức mua của người dân.
Trước đó, trong báo cáo triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ TT&TT cũng đã đề xuất những giải pháp để thúc đẩy thị trường mới cho lĩnh vực di động, tăng trưởng doanh thu dữ liệu. Cụ thể, Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy cơ chế sandbox trong việc triển khai các dịch vụ mới, không gian mới cho việc phát triển của các doanh nghiệp viễn thông hay các doanh nghiệp viễn thông cần phát triển mô hình sử dụng chung hạ tầng, đi cùng nhau để thoát khỏi gánh nặng phát triển hạ tầng, tiến tới đi cùng thế giới trong việc triển khai các công nghệ mới như mạng 5G, IoT, Big Data...