Hôm nay (8/8), Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2019 đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đồng tổ chức.
Diễn đàn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng các Bộ TT&TT, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Bộ KH&CN và đại diện từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
"Việt Nam cần phải thực hiện quá trình chuyển đổi số với tâm thế của một quốc gia còn kém so với thế giới"
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng mặc dù Việt Nam hiện được đánh giá là phát triển nhanh so với khu vực, so với quốc tế nhưng xuất phát của chúng ta quá thấp.
Do đó cần phát phải triển nhanh hơn và bền vững hơn. Cụ thể, theo Phó Thủ tướng, để vượt qua được cuộc đua tranh này chúng ta phải có khát vọng, đi kèm với đó ý chí, sáng tạo và đột phá ra khỏi tư duy, rào cản ý thức.
“Chúng ta có cơ hội ko? “Phó Thủ tướng đặt câu hỏi. “Chuyển đổi số (CĐS) chính là cơ hội nhưng cần lưu ý cơ hội với Việt Nam cũng là cơ hội với quốc gia khác, nếu ko tận dụng tốt sẽ biến thành thách thức”.
“Đây ko phải lần đầu CNTT mang đến cơ hội cho Việt Nam, những năm 90 từng có cơ hội tương tự, thời điểm đó chúng ta đã nói về kỷ nguyên số, hay chuyển đổi số rồi nhưng bây giờ lại nói lại”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.
“Việt Nam cần phải thực hiện quá trình chuyển đổi số với tâm thế của một quốc gia còn kém so với thế giới, vì kém nên cần phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần. Cũng chính vì kém nên cần phải có khát vọng vươn lên, điểm tựa của chúng ta là lịch sử ngàn năm, truyền thống dân tộc mỗi khi bị dồn vào thế nhất định sẽ làm được những việc không tưởng”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Tận dụng chuyển đổi số, Việt Nam có thể vươn lên nước phát triển
Cũng tại diễn đàn Vietnam ICT Summit 2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Công nghệ số đang thâm nhập thế giới với tốc độ rất cao, nhất là một số công nghệ đột phá của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi căn bản kinh tế và xã hội”.
Trong các bước của CĐS, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng: “Bước hình thành các mối quan hệ mới trong nền kinh tế số, xã hội số - các mối quan hệ mới trong thế giới ảo là thách thức lớn nhất của CĐS. Nhưng chính những mối quan hệ mới này, những mô hình kinh doanh mới này mới phát huy hiệu quả của chuyển đổi số. Nó phụ thuộc vào chuyển đổi nhận thức của con người. Nhưng lại là lợi thế của các nước đang phát triển như Việt Nam, vì sự chuyển đổi nhận thức này không phụ thuộc vào cơ sở vật chất mà một nước đang sở hữu”. Lý do bởi các nước đi sau thì ít gánh nặng của quá khứ, cả về hạ tầng vật chất và thể chế, cả về năng lực cạnh tranh của thời 2.0, 3.0.
Theo một nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà CĐS mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, nhưng tới năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%.
CĐS cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo. Còn công ty nghiên cứu McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng không quên nhấn mạnh: “Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển”.
"Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường"
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ tập trung phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ số bao gồm:
Các doanh nghiệp công nghệ lớn có tiềm lực về tài chính, thị trường và nhân lực; Các doanh nghiệp thương mại dịch vụ lớn; Các doanh nghiệp công nghệ đã 10-20 năm kinh nghiệm đang chủ yếu làm gia công; và các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Với Việt Nam, áp lực từ công cuộc CĐS đang ngày càng gia tăng, thậm chí mang tính “sống còn” đối với sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp. Những hiệu quả mà CĐS mang lại không chỉ là việc nâng cao năng suất, tối ưu hóa nguồn lực, gia tang các trải nghiệm của người mà còn là yếu tố giúp DN xây dựng được năng lực cạnh tranh, bắt kịp thời đại và dẫn đầu xu hướng.
Cũng vì lý do này, tại Diễn đàn, “Liên minh chuyển đổi số Việt Nam” đã chính thức được ra mắt với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn làm nòng cốt cho Liên minh như: Viettel, FPT, VNPT, CMC, MISA, Hài Hoà, Mobifone, BKAV… thể hiện sự cam kết đồng hành của các doanh nghiệp Việt Nam với Chính phủ trong thúc đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho rằng: “Để CĐS thành công tại Việt Nam, mỗi địa phương, mỗi bộ ngành, DN/tổ chức nên bắt đầu từ một lĩnh vực được lựa chọn như một “Điểm Đột phá” để tập trung nguồn lực với những chính sách cụ thể để tiến hành CĐS. Khi đã tìm được đướng hướng phát triển, với nền tảng vững chắc, bền vững, cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm tư vấn chiến lược, các tổ chức/doanh nghiệp đó có thể đo đếm, đánh giá tính hiệu quả thực sự để điều chỉnh và tìm ra giải pháp phù hợp nhất dựa trên đặc tính cơ sở”.
Với mục tiêu “CĐS vì một Việt Nam hùng cường”, kỳ Diễn đàn này cũng nhấn mạnh đến yếu tố một tiên quyết – đó là sự đồng thuận, chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT khẳng định: “Có thể nói, đến nay, các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ tiên phong tại Việt Nam đã sẵn sàng và đang từng bước cung cấp các giải pháp cho CĐS. Với những nền tảng mang tính toàn diện, đi vào chiều sâu, sự thấu hiểu quy trình - kinh nghiệm CĐS cùng nguồn nhân lực chuyên môn cao, đây sẽ là động lực để Việt Nam có thể bứt phá và bắt kịp tốc độ công nghệ vũ bão của thế giới”
Cũng tại Diễn đàn lần này, đại diện Bộ TT&TT đã trình bày bản cập nhật mới nhất của Đề án Chuyển đổi số quốc gia mà Bộ đang xây dựng, nhằm thu hút thêm những ý kiến và đóng góp tích cực cho việc hoàn thiện công trình này.