Theo thông tin từ trang ICTNews, Bộ TT&TT đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để thử nghiệm 5G tại TP Hồ Chí Minh vào đầu năm 2019. Cho đến thời điểm này, Viettel và MobiFone đã lên tiếng xin cấp phép thử nghiệm 5G. Lý do cho việc xúc tiến nhanh việc đưa vào thử nghiệm 5G tại Việt Nam, Bộ TT&TT cho rằng, Việt Nam muốn bật lên trong cách mạng 4.0 thì phải phát triển 5G và phải nằm trong Top đầu thế giới về triển khai công nghệ này.
Nguồn tin này cũng dẫn lời từ ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel, việc sớm triển khai 5G vào đầu năm nay sẽ đưa Việt Nam là 1 trong những nước đi đầu trong công nghệ này. Việc áp dụng 5G sớm sẽ giúp ứng dụng cho một chuỗi công nghệ trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, phục vụ cho việc kết nối, tự động hóa, đường truyền tốc độ cao, độ trễ thấp, giải quyết được nhiều các hạn chế hiện nay của những công nghệ cũ.
Trước đó vào tháng 11.2018, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong năm 2019, Bộ TT&TT sẽ cấp phép thử nghiệm 5G tại các thành phố lớn của Việt Nam và triển khai đầu tiên tại TPHCM.
Tại buổi lễ ký kết, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, TPHCM luôn coi phát triển CNTT-TT là nhiệm vụ trọng tâm. Mục tiêu của Thành phố là đi đầu cả nước về xây dựng thành phố thông minh. Ông kỳ vọng sự hợp tác này sẽ giúp thành phố phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực CNTT trong thời gian tới.
Tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế Smart IoT Việt Nam 2018, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh, Việt Nam có thuận lợi rất lớn so với các quốc gia khác khi chúng ta sở hữu hạ tầng viễn thông tốt, có một số doanh nghiệp viễn thông mạnh, có khả năng đầu tư trước về hạ tầng phủ sóng toàn quốc.
Người đứng đầu Bộ cũng chia sẻ, Bộ TT&TT cũng đã quy hoạch đủ số điện thoại, đủ số địa chỉ IP cho hàng tỷ thiết bị IoT.
Theo Bộ trưởng, nếu chúng ta coi dữ liệu là dầu thì IoT chính là các mỏ dầu với trữ lượng vô cùng lớn. Khai thác các dữ liệu này sẽ tạo ra các giá trị mới. Khai thác IoT càng nhanh bao nhiêu thì càng nhiều dầu mỏ bấy nhiêu.
Bộ trưởng khẳng định, chiến lược của Việt Nam đến năm 2020 về cơ bản là mỗi hộ gia đình có một đường truyền cáp quang, mỗi người dân một máy Smartphone và hạ tầng di động 5G phủ rộng, ưu tiên cho IoT trước và Việt nam sẽ là một trong số ít nước đảm bảo tốt về hạ tầng kết nối này.