Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ Lào và Lina Network ký biên bản ghi nhớ về việc ứng dụng công nghệ Blockchain. Bộ trưởng Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Lào Boviengkham Vongdala (hàng trên, thứ 4 từ trái sang) chứng kiến lễ ký kết.
Hôm nay ngày 19/6, Bộ Khoa học và Công nghệ Lào đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với công ty startup của Việt Nam là Lina Network về việc cung cấp giải pháp “định danh điện tử” trên nền tảng Blockchain để hướng tới mục tiêu chính phủ điện tử. Đây được xem là bước đi kịp thời và nhạy bén của chính phủ Lào nhằm tận dụng tối đa cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Để hoạt động quản lý nhà nước được linh hoạt, hiệu quả, hiện đại và minh bạch, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, hướng tới phát triển chính phủ điện tử đang trở thành xu thế tất yếu hiện nay. Việc kết nối, liên thông, tích hợp các hệ thống thông tin của các cơ quan ban ngành tạo nên một chính phủ gắn kết và hoạt động hiệu quả. Trước Lào, Estonia và Dubai từng ứng dụng công nghệ Blockchain ở cấp độ chính phủ và gặt hái được những thành công nhất định trong lĩnh vực quản lý nhà nước.
Hầu hết chính phủ điện tử đều đang hướng đến xu thế lấy người dân làm trung tâm. Theo đó, người dân chỉ cần truy cập dịch vụ một lần, qua một cửa, cho phép họ tương tác và nhận các dịch vụ của chính phủ 24/7. Mục đích của hoạt động này nhằm tăng tính minh bạch, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính phủ, góp phần giảm tiêu cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Lào Boviengkham Vongdala, nếu biết ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào đời sống, nó sẽ thay đổi toàn bộ nền kinh tế của một đất nước trong tương lai. Bộ trưởng Boviengkham cho biết sau một thời gian nghiên cứu và xem xét nền tảng công nghệ cũng như giải pháp Blockchain, chính phủ Lào cho rằng “đã đến lúc phải xây dựng một mô hình mới mang tính đột phá trong việc quản lý dữ liệu nói chung.
Nhằm đáp ứng yêu cầu về việc phát triển công nghệ mới, Lào chủ trương xây dựng viện nghiên cứu Blockchain. Theo Bộ trưởng Boviengkham, viện nghiên cứu này sẽ là “nơi tìm kiếm và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất xám nói chung để xây dựng thêm nhiều ứng dụng khác nhau nhằm nâng cao sự phát triển về khoa học công nghệ đối với Lào”.
Ông Vũ Trường Ca, CEO của Lina Group, cho biết định danh điện tử bằng công nghệ Blockchain là một giải pháp hoàn toàn mới, có tính bảo mật cao và an toàn.
"Với Blockchain - công nghệ dữ liệu được số hóa một cách nhanh chóng, có tính bảo mật cao và an toàn, chúng ta hoàn toàn có thể chia sẻ thông tin theo phương thức hàng ngang trong chuỗi khối mà không cần bên thứ ba can thiệp vào vấn đề quản lý. Mọi thông tin chia sẻ từ người dùng sau khi được định danh điện tử bằng Blockchain được xem như một hồ sơ công khai trên nền tảng kỹ thuật số", ông Ca nhận định.
Theo Bộ trưởng Boviengkham, ngoài quản lý nhà nước, công nghệ Blockchain có thể ứng dụng trong nhiều ngành khác nhau như công nghiệp, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế… Bộ trưởng Boviengkham nói rằng Lào sẽ chuẩn bị nguồn nhân lực để có thể đáp ứng được các yêu cầu mới, tiếp đó hoàn thiện khung pháp lý và các quy định cụ thể cho lĩnh vực công nghệ này.