Khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) với 275 cơ quan, đơn vị tham gia
ICT Summit 2017 vừa qua cho thấy, nguồn nhân lực và quyết tâm hành động của Chính phủ chính là lợi thế quan trọng nhất để Việt Nam tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhiều tổ chức cho rằng, nguồn nhân lực chính là lợi thế giúp Việt Nam tiếp cận thành công cách mạng 4.0. (Ảnh: Vietnam+)
Cụ thể, nguồn nhân lực được nhiều đơn vị lựa chọn nhất với 77,7%; nhận thức và quyết tâm hành động của Chính phủ chiếm 70,4%; hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông 59,1%...
Về các giải pháp quan trọng để giúp Việt Nam tiếp cận thành công với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các tổ chức đã lựa chọn lần lượt là: Đào tạo nguồn nhân lực (81,8%); thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế (70%); thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo (53%).
Đánh giá về các ngành kinh tế có lợi thế phát triển trong cách mạng công nghiệp mới, các đơn vị tham gia trả lời cho rằng công nghệ thông tin chiếm 89,9%; du lịch 45,7%; nông nghiệp (44,9%); tài chính-ngân hàng (47%) và logistics (28,3%).
Cũng theo khảo sát này, có tới 35,2% cơ quan, đơn vị đã chuẩn bị và sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4; 58,7% cơ quan, đơn vị đã tìm hiểu nhưng chưa biết chuẩn bị gì; 6.1% là chưa tìm hiểu gì và chưa biết chuẩn bị như thế nào cho những cơ hội và tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.