Khả năng giao tiếp với khách hàng, giao tiếp nội bộ và kỹ năng làm việc nhóm của nhân sự an toàn thông tin (ATTT) Việt chưa tốt nên thường bị “đuối” trong các dự án có yếu tố nước ngoài, dù bản thân có tư duy, kiến thức rất tốt.
Đó là chia sẻ của ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav tại buổi tọa đàm đào tạo hướng nghiệp cho sinh viên an toàn thông tin với chủ đề “Nhận diện thế hệ 4.0” vừa được Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) tổ chức tại Hà Nội.
Thu hút sự tham gia đông đảo của các sinh viên CNTT, An toàn thông tin đến từ 12 trường đại học khu vực phía Bắc, tại buổi tọa đàm này, các nhà quản lý, chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ với sinh viên về kinh nghiệm học tập, làm việc và định hướng nghề nghiệp tương lai.
Theo chia sẻ của các chuyên gia, thời gian vừa qua, CNTT đã trở thành bộ phận không thể thiếu trong đời sống xã hội. Thông tin trên mạng đã trở thành tài sản của mỗi cá nhân, tổ chức và cả quốc gia. Thậm chí, trong nhiều tổ chức, doanh nghiệp, tài sản thông tin có giá trị gấp nhiều lần tài sản cố định hay tài sản hữu hình khác.
Hiện nay, trong sự chuyển dịch theo xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các thiết bị di động, thiết bị cảm biến nhỏ hơn, nhưng mạnh hơn, với giá thành rẻ hơn, có khả năng kết nối với nhau và ngày càng trở nên thông minh hơn bởi trí tuệ nhân tạo. Điều này hứa hẹn những chuyển biến tích cực, đột phá trong việc ứng dụng CNTT, phát triển chính phủ điện tử, thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, xây dựng thành phố thông minh… Tuy nhiên, kèm theo đó các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng như người sử dụng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác đảm bảo an toàn thông tin và vấn đề đào tạo đội ngũ nhân lực an toàn thông tin mạnh là vô cùng cần thiết.
|
Tọa đàm đào tạo hướng nghiệp cho sinh viên an toàn thông tin với chủ đề “Nhận diện thế hệ 4.0” thu hút sự tham gia đông đảo của các sinh viên CNTT, An toàn thông tin đến từ 12 trường đại học khu vực phía Bắc.
|
Cũng tại tọa đàm, các diễn giả đã đưa ra những lời khuyên cho các bạn sinh viên đam mê CNTT, an toàn thông tin. Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT cho biết, nghiên cứu rất nhiều huyền thoại trong ngành công nghệ như Steven Job, Bill Gate... đều cho thấy, muốn đến được thành công họ đã mất ít nhất 10.000 giờ, tương đương với khoảng 10 năm theo đuổi đam mê của mình. “Vấn đề đặt ra là các bạn phải kiên trì, quyết tâm theo đuổi con đường của mình đã chọn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển của Internet, nhiều sinh viên dễ bị phân tâm bởi các yếu tố giải trí bên ngoài, làm xao nhãng niềm đam mê của mình.
Ông Khổng Huy Hùng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ an ninh không gian mạng VIệt Nam khuyên các sinh viên, trước khi chính thức đi làm, các bạn sinh viên sẽ có thời gian đi thực tập tại các công ty công nghệ, nhưng khi chọn đơn vị để thực tập, các bạn thường để ý quy mô công ty hơn là những gì bạn học được từ thời gian này.
Ông Khổng Huy Hùng nhắn nhủ các sinh viên: “Khi lựa chọn đơn vị thực tập, các bạn hãy hỏi quản lý: “ở vị trí này, em có được tiếp xúc khách hàng không, có được làm việc nhóm không” để tăng cường những kỹ năng mềm. Còn nếu vào một đơn vị chỉ để code, thì các bạn có thể làm ở nhà, không thiết phải vào một công ty. Đừng quan tâm chỗ làm của các bạn là công ty nhỏ hay lớn, vào một công ty là vào một tập thể, bắt buộc các bạn phải hòa nhập mới có thể phát triển”.
Còn theo nhận định của ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav, về mặt tư duy, kiến thức, các sinh viên CNTT, An toàn thông tin Việt Nam không hề kém, nếu không muốn nói là vượt trội so với sinh viên nước ngoài. Tuy nhiên, khi tham gia các dự án mang yếu tố nước ngoài, sinh viên Việt Nam thường bị “đuối”.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, ông Ngô Tuấn Anh cho rằng chủ yếu là do khả năng giao tiếp, giao tiếp với khách hàng, giao tiếp nội bộ và kỹ năng làm việc nhóm của các sinh viên Việt Nam còn kém.
Dẫn chứng từ thực tế của Bkav, ông Ngô Tuấn Anh cho biết, mỗi năm Bkav tuyển khoảng 100 bạn thực tập thì chỉ còn “trụ” lại được 10 người. Số còn lại, mặc dù nhiều bạn rất giỏi về chuyên môn, nhưng không hợp với tư duy của công ty, bị động trong công việc, khả năng làm việc nhóm kém nên đành bỏ cuộc.
Từ thực tế này, tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng c���a Bkav Ngô Tuấn Anh cũng đưa ra lời khuyên với các sinh viên: “Thay vì bị cám dỗ vào các chương trình giải trí nào đó, các bạn nên đăng ký và 1 chương trình thực tập để có cơ hội được thử thách, được cọ xát và hoàn thiện bản thân”.
Ở góc độ của một đơn vị đào tạo, ông Phạm Văn Hậu, Giám đốc trung tâm An ninh mạng CNSC, Trưởng bộ môn An toàn thông tin trường Đại học CNTT - Đại học Quốc gia TP.HCM cũng cho rằng, có thể các ứng viên rất giỏi về một chuyên ngành nào đó, nhưng chưa chắc đã phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Vì vậy, những môn lập trình rất căn bản lại là phần quan trọng để ứng viên "ghi điểm" với nhà tuyển dụng.
Trả lời câu hỏi “Sinh viên cần trang bị những kiến thức gì để tìm cho mình môi trường phù hợp để làm việc?”, ông Hậu cho biết, ngay chính một công ty cũng không thể nắm rõ tháng sau mình sẽ làm dự án như thế nào, vì vậy sẽ có lúc công ty có dự án phù hợp cho kiến thức chuyên sâu của bạn, nhưng sẽ có những dự án không phù hợp. Theo đó, các bạn sinh viên cần trang bị cho mình kiến thức nền tảng, kiến thức về lập trình căn bản thật tốt, sau đó mới chọn một ngành làm chuyên sâu để phát triển.
Hơn nữa, sinh viên nên tìm hiểu thêm những gì liên quan. Ví dụ như an toàn thông tin mạng nên tìm hiểu về quản trị tính, lập trình mạng… như vậy, khi gặp vấn đề sẽ có nhiều góc nhìn hơn, đưa ra được hướng giải quyết phù hợp hơn.
Ông Phạm Văn Hậu cũng khuyên: “Các bạn nên đọc nhiều, nghiên cứu về xu hướng của thế giới và trau dồi tiếng Anh bởi “tiếng Anh phải tốt thì các bạn mới đọc được, tư vấn được, mới xây dựng được giải pháp để tư vấn cho khách hàng...
Vị trưởng bộ môn An toàn thông tin trường Đại học CNTT - Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết thêm: “mong muốn chung của các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực cũng giống như tất cả các ngành nghề khác là các bạn phải có kiến thức nền tảng. Tuy nhiên, kỹ năng mềm là kỹ năng cần phải trau dồi và là kỹ năng được mong muốn nhiều nhất”.