1. Năm 2016 được chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp
Hòa cùng xu thế chung của thế giới, khởi nghiệp đã trở nên phổ biến và trở thành một xu thế tại Việt Nam. Chính vì điều này, Chính phủ đã quyết định chọn 2016 là Năm quốc gia khởi nghiệp.
Cũng như trên thế giới, các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam thường chọn lĩnh vực công nghệ để bắt đầu vì đây là lĩnh vực có thể mang lại giá trị cao trong thời gian ngắn. Thậm chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh việc thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp là con đường nhanh nhất để phát triển lực lượng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao và tạo những nhân tố phát triển đột phá trong nền kinh tế số. Xóa bỏ mọi rào cản, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Chính lời động viên của người đứng đầu chính phủ đã trở thành một động lực để thôi thúc hành động từ nhu cầu thực tiễn, khiến ngày càng nhiều người khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.
2. Bộ TT&TT cấp phép 4G cho các nhà mạng
Năm 2016 được đánh dấu của sự khởi đầu cho bước phát triển tiếp theo của mạng di động khi Bộ TT&TT đã cấp phép cho VNPT, Viettel, MobiFone và Gtel được phát triển mạng di động 4G trên băng tần 1800 MHz. Đầu tháng 11, nhà mạng VinaPhone đã chính thức cung cấp dịch vụ 4G tại Phú Quốc và trở thành nhà mạng đầu tiên cung cấp 4G tại Việt Nam.
Như vậy, Việt Nam là quốc gia cuối cùng trong khu vực triển khai 4G. Bộ TT&TT tin rằng năm 2016 sẽ là năm khởi đầu thuận lợi cho 4G còn 2017 sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ này.
3. Thu hồi 15 triệu SIM di động trả trước kích hoạt sẵn
Sau nhiều năm tồn tại nhưng vấn nạn SIM di động trả trước được kích hoạt sẵn vẫn chưa giải quyết triệt để vì vấn đề lợi ích của nhiều bên, đến thời điểm gần cuối năm 2016, Bộ TT&TT đã mạnh tay truy quét, thu hồi 15 triệu SIM trả trước kích hoạt sẵn. Động thái này cho thấy sự quyết tâm của Bộ TT&TT. Bộ TT&TT cũng khẳng định công tác thu hồi SIM đăng ký sai quy định sẽ được tiến hành thường xuyên để xử lý triệt để vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác.
4. Lần đầu tiên ngành TT&TT đóng góp ngân sách nhà nước đạt 145.915 tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ Thông tin &truyền thông(TT&TT), tổng doanh thu phát sinh toàn ngành TT&TT năm 2016 ước đạt 1.337.857 tỷ đồng (ước tốc độ tăng trưởng đạt 9,36% so với năm 2015, cao hơn so với mục tiêu tăng GDP cả nước năm 2016 là 6,7%). Đặc biệt năm 2016 fhi nhận lần đầu tiên đóng góp cho ngân sách nhà nước toàn ngành đạt đạt 145.915 tỷ đồng (ước đạt 109,06% so với kế hoạch năm) và đóng góp khoảng 14,38% vào tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2016.
5. Luật An toàn thông tin (ATTT) mạng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2016
Trước thực trạng an toàn thông tin mạng là một vấn đề bức thiết trước nhiều vụ xâm phạm và lấy cắp nhiều thông tin quan trọng trên mạng Internet, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật ATTT mạng và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2016.
Luật An toàn thông tin mạng được Bộ TT&TT khởi động xây dựng từ năm 2011 và hoàn tất vào tháng 11/2015, là bộ luật quan trọng để triển khai các hoạt động an toàn thông tin tại Việt Nam. Với kết cấu gồm 8 chương 54 điều, Luật An toàn thông tin mạng đề cập đến rất nhiều vấn đề mới, “nóng bỏng” trong lĩnh vực An toàn thông tin hiện nay, cụ thể hóa nhiều vấn đề đang gây bức xúc dư luận xã hội như thư rác; thu thập, phát tán thông tin cá nhân trái phép…
6. Công ty Sam Media "móc túi" 230 tỷ đồng thuê bao di động tại Việt Nam
Năm 2016 chứng kiến một trong những vụ “móc túi” người dùng di động lớn nhất tại Việt Nam trong những năm gần đây khi Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội tổ chức thanh tra Văn phòng đại diện Công ty Sam Media (Hồng Kông) tại Hà Nội và phát hiện thấy từ tháng 1/2013 đến tháng 3/2016 đã “móc túi” nhiều khách hàng của 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone với số tiền lên đến 230,5 tỷ đồng.
Cụ thể, Sam Media đã hợp tác với 3 công ty tại Việt Nam để cung cấp các dịch vụ có thu phí cho người dùng di động tại Việt Nam mà không được phép và thậm chí người dùng không hề hay biết. Các nhà mạng sau đó cũng đã tuyên bố cắt hợp đồng với các đối tác của Sam Media đồng thời ra soát và cắt hàng loạt các đối tác cung cấp nội dung "móc túi" khách hàng. Đây là sự cố làm mất niềm tin nghiêm trọng của khách hàng đối với cả nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ nội dung.
7. Các cảng hàng không và Vietnam Airlines bị hacker tấn công
Một trong những vụ tấn công mạng lớn nhất tại Việt Nam trong năm qua là vụ tin tặc tấn công vào trang web của Vietnam Airlines và Hệ thống sân tay tại Việt Nam vào tháng 7/2016. Cụ thể, trang web của Vietnam Airlines đã bị một nhóm hacker tấn công, đưa lên nội dung xuyên tạc về tình hình tại Biển Đông. cùng thời điểm, hệ thống thông tin tại hai sân bay lớn ở Việt Nam là Nội Bài và Tân Sơn Nhất, bao gồm các màn hình hiển thị thông tin chuyến bay đã bị hacker xâm nhập, cho đăng tải những hàng chữ Trung Quốc với nội dung xuyên tạc về tình hình biển Đông.
Mặc dù sự cố đã kịp thời khắc phục và không gây ra hậu quả nghiêm trọng nào, tuy nhiên gióng lên một hồi chuông cảnh báo về mối nguy hacker có thể tấn công và gây mất an toàn cho những chuyến bay.
8. Xóa bỏ cước roaming 3 nước Đông Dương
Năm 2016 đánh dấu lần đầu tiên trên thế giới, cước roaming cho di động của 3 nước Đông Dương được xóa bỏ.
Cụ thể, nhà mạng Viettel đã bỏ cước gọi chuyển vùng quốc tế giữa thuê bao của Viettel tại 3 nước Việt Nam, Campuchia và Lào. Cước gọi quốc tế của 3 nước này tương đương với mức cước trong nước, tức là sẽ không còn cước quốc tế, không còn cước roaming quốc tế giữa các thuê bao của Viettel tại 3 nước.
Điều này tạo ra tiền đề cho sự phát triển kinh tế, tác động đến các khối kinh tế trên thế giới và trên hết là góp phần phục vụ nhân dân, phục vụ du lịch cũng như kết nối các hoạt động đầu tư...
Tất nhiên, động thái này sẽ khiến cho doanh thu của các nhà mạng sụt giảm trong thời gian tới, nhưng về lâu về dài, các nhà mạng sẽ hưởng lợi với chính sách hủy bỏ phí roaming bởi nhu cầu sử dụng người dân khi roaming khá lớn và đặc biệt là truy cập internet.
9. Thủ tướng đề nghị bỏ điều 292
Tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự. Bộ Tư pháp đề nghị bỏ Điều 292 - tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292) là một trong 10 tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông được quy định tại mục 2 thuộc chương XXI của BLHS năm 2015 có khách thể xâm hại là an toàn công cộng, trật tự công cộng.
Trước đó, chính phủ cũng cho rằng, kinh doanh trên mạng đang là xu thế phát triển có tiềm năng và ngày càng có nhiều người tham gia. Vì vậy, pháp luật cần có cơ chế thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh để phát triển lĩnh vực kinh doanh này. Đối với hành vi kinh doanh trên mạng trái phép, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể có thể bị xử lý vi phạm hành chính hay xử lý hình sự.
Ngoài ra, cộng đồng khởi nghiệp cũng cho rằng điều 292 sẽ là rào cản đối với sức sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp. Các doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực ICT cũng lên tiếng đề nghị bỏ hoặc sửa đổi Điều 292 vì có tính chất hình sự hóa các hoạt động kinh doanh để tránh nguy cơ đẩy doanh nghiệp vào vòng lao lý.
10. Việt Nam chính thức có thiết bị 4G đầu tiên
Thiết bị 4G đầu tiên của Viettel đã được ra mắt.
Năm 2016, Tập đoàn Viettel gây ấn tượng mạnh khi chính thức công bố đã sản xuất thành công bộ thu phát sóng 4G.
Đại diện Viettel cho biết, các thiết bị do nhà mạng này sản xuất đều có các tính năng tương tự thiết bị do các nhà sản xuất hàng đầu thế giới hiện nay.
Việc sản xuất thành công bộ thu phát sóng 4G đã giúp cho Viettel trở thành đơn vị đầu tiên ở Việt Nam và là thứ sáu trên thế giới sản xuất bộ thu phát sóng 4G. Đồng thời, đây cũng được xem là một bước đột phá của Viettel khi mở rộng sang lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất.