Mặc dù tổng mức chi tiêu ban đầu sẽ khá khiêm tốn, nhưng Gartner dự đoán từ sau năm 2020 mức chi tiêu cho bảo mật IoT sẽ tăng trưởng nhanh khi số lượng các thiết bị IoT trở nên phong phú hơn, tính năng được cải thiện, các tùy chọn dịch vụ mở rộng. Chính điều này đã khiến cho số tiền chi cho bảo mật IoT có thể đạt 434 triệu USD vào năm 2017 và 547 triệu USD vào năm 2018.
Theo ông Ruggero Contu, Giám đốc nghiên cứu của Gartner, thị trường các thiết bị bảo mật IoT hiện khá nhỏ nhưng đang tăng trưởng do cả người tiêu dùng và doanh nghiệp bắt đầu sử dụng các thiết bị được kết nối với số lượng lớn hơn. Hãng này cũng dự báo, thị trường IoT toàn cầu sẽ có ít nhất là 6,4 tỷ kết nối vào cuối năm 2016, tăng 30% so với năm 2015 và sẽ đạt 11,4 tỷ vào năm 2018. Trong giai đoạn đầu, các thiết bị kết nối mạng IoT chủ yếu vẫn là các thiết bị gia đình, xe hơi và thiết bị y tế.
Gartner dự báo rằng đến năm 2020, sẽ có hơn 25% số vụ tấn công nhằm vào các doanh nghiệp sẽ liên quan tới IoT, mặc dù chi phí cho bảo mật IoT chỉ chiếm chưa tới 10% tổng ngân sách bảo mật công nghệ thông tin.
Các nhà cung cấp bảo mật sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp các tính năng bảo mật IoT vì ngân sách dành cho IoT khá hạn chế cũng như cách tiếp cận phân tán trong việc triển khai IoT tại các tổ chức, doanh nghiệp. Mặt khác, có rất nhiều lỗ hổng bảo mật trong các sản phẩm thông minh. Với một thế giới mà thiết bị nào cũng có kết nối Internet từ các hệ thống mở cửa gara tự động đến máy pha cà phê,… thì việc các hãng sản xuất muốn nâng cấp hay cài bản vá cho chúng sẽ rất phức tạp.
Do đó, theo Gartner để đảm bảo an toàn cho các thiết bị IoT, trước mắt các nhà cung cấp cần tập trung vào các lỗ hổng và việc khai thác chúng, chứ không phải là các biện pháp dài hạn khác.